|
Nâng cao chất lượng cà phê là yêu cầu cấp bách hiện nay. | |
|
(VietNamNet) - Khi đã ổn về số lượng (vị trí thứ hai thế giới), ngành cà phê Việt Nam đang cần bước đột phá mới về chất để phát triển bền vững. Ông Đoàn Thiện Nhạn, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam khẳng định ''Việt Nam cam kết không xuất khẩu cà phê kém chất lượng''. Tuy nhiên, làm sao chúng ta có thể ổn định được chất lượng cà phê?
Câu hỏi trên cũng là chủ đề chính hội nghị Cà phê quốc tế, khai mạc hôm nay (6/3) tại Hà Nội, do Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ - Đức) và Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức. Hội nghị còn là cơ hội để cà phê Việt Nam học hỏi kinh nghiệm phát triển từ Brazil, cường quốc xuất khẩu cà phê của thế giới, và một số quốc gia khác.
TS. Monika Midel, Trưởng đại diện GTZ tại Việt Nam, cho rằng, tuy được xếp là một trong ba nước dẫn đầu thế giới (Brazil và Columbia), ngành cà phê Việt Nam hiện đang đứng ở ngã ba đường và chưa tìm được cho mình vị trí vững vàng trong cộng đồng cà phê quốc tế. Cái khó mà Việt Nam phải gỡ là xác định đúng số lượng cà phê có thể sản xuất, khả năng tiêu thụ nội địa; ổn định chất lượng; đảm bảo thông tin thị trường; tìm thị trường mới; và đặc biệt là một chính sách ổn định để phát triển cà phê bền vững trong bối cảnh thị trường thế giới luôn thay đổi.
Do vậy, TS. Đoàn Triệu Nhạn, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, đã cam kết không xuất khẩu cà phê kém chất lượng, cà phê Robusta loại 4; đồng thời, cố gắng đạt được tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu mà Ủy ban Chất lượng cà phê thế giới đã đề ra (Nghị quyết 407), như: độ ẩm của cà phê không quá 12,5%; tổng số lỗi trong một mẫu (300gram cà phê vối) không quá 150 lỗi.
Đại sứ Brazil tại Việt Nam, ông Alcides Prates, cho biết, 7 chủ đề được đưa ra thảo luận gồm: mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới (lưu ý tình trạng gia tăng đột biến về số lượng thời gian qua); kiểm soát lượng hàng bán ra; khuyến khích tiêu dùng cà phê trong nước; tăng giá trị gia tăng; mở rộng cơ sở dự trữ cà phê; vai trò của Tổ chức cà phê quốc tế (ICO) và sự phối hợp giữa các thành viên; quan hệ song phương giữa Việt Nam và Brazil - hai quốc gia chiếm vị trí số một về xuất khẩu cà phê Robusta và cà phê Arabica. |
Từ tháng 2 đến nay, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đã nhích lên, khoảng 11-12 triệu đồng/tấn, tăng gần gấp đôi so với niên vụ trước. Ðáng lưu ý là mức chênh lệch giữa giá bán FOB trong nước và tại thị trường London (Anh) đã rút xuống dưới 100 USD/tấn, giảm đáng kể so với mức đỉnh điểm trước đây là 300 USD/tấn. Mặc dù vậy, TS. Đoàn Triệu Nhạn đánh giá, đây chưa phải là mức tăng ổn định vì thị trường cà phê thế giới vẫn đang ở thế mất cân bằng, giá giảm sút do cung vượt cầu.
Trong bối cảnh đó, nâng cao và ổn định chất lượng cà phê là yếu tố hàng đầu để đảm bảo cho xuất khẩu và giữ giá. Các chuyên gia thế giới cho rằng, với mức chênh lệch giá thấp như trên, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng chất lượng trước khi các hãng rang xay chuyển đơn đặt hàng sang quốc gia khác. Tuy Việt Nam đã giới thiệu hệ thống phân loại mới TCVN 4193-2001 đáp ứng được yêu cầu của nghị quyết 407, nhưng chỉ 30% số đó đạt tiêu chuẩn quốc tế do chất lượng đầu ra thấp.
Như vậy, cùng với cam kết trên, TS. Nhạn nhấn mạnh, ngành cà phê Việt Nam phải nỗ lực giảm diện tích cà phê Robusta, tăng Arabica; chuyển diện tích trồng cà phê kém chất lượng sang trồng các cây khác như cacao, hạt điều, tiêu... Trong số 100.000-120.000ha diện tích chuyển đổi này, riêng Đăk Lăk đã chiếm 1/3, còn lại là các tỉnh khác như Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng... Song, do nông dân thiếu vốn nên tính đến thời điểm này, cả nước mới chuyển đổi được khoảng 10.000 ha.
Trả lời câu hỏi của các chuyên gia thế giới về việc Brazil hiện lại tăng cường trồng cà phê Robusta (trong khi chất lượng Arabica cao hơn và Brazil đang là cường quốc về cà phê Arabica), Đại sứ Brazil tại Việt Nam Alcides Prates giải thích, không phải vùng nào cũng có thể trồng được Robusta; và hiện nay, nhu cầu của các hãng rang xay cũng đã khác trước. Để lý giải rõ hơn điều này, TS. Đoàn Triệu Nhạn cho biết, Việt Nam cũng đẩy mạnh trồng cà phê Arabica, nhưng Việt Nam không bao giờ có ý định cạnh tranh với Brazil.
|