"Sẽ kìm hãm và tiến tới đưa giá đất xuống mức hợp lý"
21:54' 06/03/2003 (GMT+7)
 

Việc tạo lập thị trường bất động sản (BĐS) có kiểm soát sẽ được thực hiện ngay trong năm 2003, nhưng làm thế nào để kìm hãm giá đất tại một số đô thị đang ở mức cao nhất thế giới? Các DN tư nhân có thêm thuận lợi gì trong việc thuê đất phát triển sản xuất kinh doanh? Hiện tượng tích tụ đất đai trong nông nghiệp sẽ được giải quyết như thế nào? Những vấn đề này sẽ được ông Mai Ái Trực - Uỷ viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải đáp trong bài phỏng vấn dưới đây.

Mọi thành phần kinh tế đều có quyền kinh doanh bất động sản

- Thưa Bộ trưởng, thật khó cho việc phát triển KT-XH trước tình trạng giá đất tại một số thành phố ở nước ta thuộc loại cao nhất thế giới. Liệu có khắc phục được vấn đề này?

- Tình trạng sốt giá đất và giá đất giữ ở mức quá cao như hiện nay ở một số thành phố do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân từ nhu cầu sử dụng đất trong tiến trình CNH-HĐH ngày càng tăng, tốc độ đô thị hoá diễn ra nhanh kéo theo nhu cầu về đất ở và đất xây dựng công trình, chỉnh trang đô thị. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và thị trường bất động sản. Hội nghị TƯ7 (phần hai) vừa diễn ra đã chỉ rõ những yếu kém đó và trên cơ sở khẳng định những quan điểm cơ bản đối với tài nguyên đất đai đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm đổi mới hơn nữa việc quản lý và sử dụng đất đai phù hợp yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Trong những việc cần làm trước mắt thì việc kìm hãm và tiến tới đưa giá đất xuống mức hợp lý sẽ là việc được coi trọng.

Quan điểm coi đất đai là hàng hoá đặc biệt và quyền sử dụng đất là một bộ phận quan trọng của thị trường BĐS như đã được khẳng định tại Hội nghị TƯ7 là điều kiện để xây dựng hành lang pháp luật của thị trường BĐS, đưa thị trường này phát triển lành mạnh, đúng hướng, hạn chế những biến động tiêu cực, trong đó có biến động về giá đất.

- Được biết ngay trong năm 2003, chúng ta sẽ tạo lập thị trường BĐS có kiểm soát, có thể hình dung ra sao về thị trường này? Cách nào có thể khắc phục được tình trạng chuyển nhượng đất theo kiểu trao tay mà ở đó, cả Nhà nước là chủ sở hữu lẫn người dân có quyền sử dụng đất đều chịu thiệt trong khi lợi nhuận từ đất rơi vào tay những kẻ đầu cơ?

- Chúng ta phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm để đi đến tạo lập một thị trường BĐS phù hợp. Tuy nhiên, có thể khái quát, đó là một thị trường mà trong nó các yếu tố hàng hoá, kể cả quyền sử dụng đất đều phải vận hành theo quy luật của thị trường. Mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh bất động sản theo những quy định của Nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước sẽ đóng vai trò nòng cốt. Nhà nước tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi phát triển thị trường BĐS, đồng thời quản lý chặt chẽ đất đai nhằm bảo đảm nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này được sử dụng có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và lợi ích chính đáng của người dân. Trước mắt, tập trung phát triển thị trường BĐS ở các đô thị và các vùng phát triển đô thị thông qua việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và nhà chung cư trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.

Để khắc phục tình trạng trục lợi từ đất đai của những kẻ đầu cơ và cả những cán bộ thoái hoá trong bộ máy Nhà nước đang lợi dụng đất đai để làm giàu bất chính, cần phải bịt những sơ hở trong chính sách, pháp luật đất đai hiện hành, đặc biệt là xoá bao cấp về giá đất và sớm xoá bỏ cơ chế "xin - cho" có tính chất ban ơn trong việc giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất.

- Một trong những vấn đề bức xúc lâu nay là khó khăn trong việc giải toả mặt bằng do chưa có cơ chế đền bù thoả đáng cho người sử dụng đất. Xin Bộ trưởng cho biết hướng tháo gỡ vướng mắc này?

- Thật ra không phải hoàn toàn do chưa có cơ chế đền bù thoả đáng cho người sử dụng đất. Cơ chế thì đã có và nhìn chung là thoả đáng, chỉ có điều cơ chế chưa thật cụ thể và có mặt chưa rõ ràng nên hiểu và vận dụng dễ tuỳ tiện, cả phía cơ quan quyết định đền bù giải phóng mặt bằng lẫn người sử dụng đất. Việc này sẽ được khắc phục trong thời gian tới.

Đất cho các DN tư nhân: khó là do những người thực hiện

- Thưa Bộ trưởng, các DN tư nhân lâu nay vẫn than phiền là vấn đề khó khăn nhất đối với họ là mặt bằng để sản xuất kinh doanh. Họ gần như không thể thuê được đất nếu như không có một đối tác của Nhà nước góp vốn với tỷ lệ từ 51% trở lên. Việc này sẽ được giải quyết như thế nào để khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân - vấn đề mà Đảng ta đã có riêng một nghị quyết?

- Đây đúng là một thực tế khá phổ biến. Đặc biệt là ở những nơi mà quỹ đất dành làm mặt bằng sản xuất kinh doanh quá hạn hẹp trong khi nhu cầu về đầu tư lại lớn. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu đất hoặc việc đền bù giải phóng đất chậm chạp, ách tắc. Việc các DN tư nhân muốn thuê được đất phải có một đối tác Nhà nước góp vốn với tỷ lệ 51% không phải là hiện tượng phổ biến và thường rơi vào những trường hợp DN nhà nước đã có sẵn mặt bằng. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.

- Tuy nhiên, trong vấn đề này, mỗi địa phương lại có cách áp dụng luật khác nhau, nơi thì thông thoáng, thuận lợi, nơi lại rất khó khăn, phiền hà. Thưa Bộ trưởng, liệu có sự tuỳ tiện trong việc cho các DN tư nhân thuê đất, sắp tới liệu có sự thay đổi lớn nào trong vấn đề này?

- Có thể nói, các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đang có cuộc chạy đua về cải thiện môi trường đầu tư nhằm đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng trong việc giao đất, cho thuê đất đã được ban hành. Với mức độ khác nhau, địa phương nào cũng muốn tạo ra sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Không có tỉnh, thành nào lại cố ý gây khó khăn cho DN trong việc thuê đất. Còn trường hợp thuê đất nơi này, nơi khác có khó khăn, phiền hà thì thường là do người thực hiện, hoặc vì chưa quán triệt chủ trương, chính sách của cấp trên; hoặc vì sợ trách nhiệm; hoặc vì động cơ cá nhân...

Đảng, Nhà nước khuyến khích việc tích tụ đất nông nghiệp

-Thưa Bộ trưởng, vừa qua có hiện tượng chuyển nhượng số đất nông nghiệp được giao làm nảy sinh vấn đề tích tụ đất nông nghiệp. Vấn đề này sẽ được giải quyết thế nào? Chúng ta có khuyến khích việc tích tụ đất nông nghiệp?

- Chính sách hiện hành của Nhà nước là đảm bảo cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng thuỷ sản có đất sản xuất. Điều này đã được thể hiện qua chủ trương giao đất nông nghiệp sử dụng ổn định, lâu dài cho hộ nông dân đã được thực hiện trong thời gian qua. Đối với những trường hợp Nhà nước đã giao đất mà chuyển nhượng cho người khác, không còn đất sản xuất thì sẽ được các địa phương xem xét xử lý cụ thể phù hợp với thực tế. Tinh thần chung là tạo điều kiện cho những người không còn đất sản xuất chuyển đổi nghề nghiệp, có công ăn việc làm. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu thì có chính sách riêng, chủ yếu là cho mượn đất sản xuất.

Cần khẳng định không thể đưa nền nông nghiệp của nước ta đi lên sản xuất lớn, có sức cạnh tranh cao trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nếu chúng ta tiếp tục giữ quy mô canh tác đất nông nghiệp quá nhỏ bé của từng hộ như hiện nay. Hơn nữa, chúng ta đang phấn đấu để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp. Lúc đó, trong cơ cấu lao động thì lao động nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Đó là lý do để Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương khuyến khích quá trình tích tụ đất đai. Tất nhiên, chủ trương đó phải đặt trên cơ sở đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều việc làm trong phạm vi toàn quốc cũng như ở từng địa phương. Chúng ta khuyến khích quá trình tích tụ đất đai nhưng sẽ có những giải pháp phù hợp để ngăn chặn, hạn chế tối đa việc chuyển nhượng đất đai dẫn đến nghèo đói.

-Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(Theo Tiền phong)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Việt Nam không có ý định cạnh tranh với Brazil về cà phê'' (06/03/2003)
Thành lập Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (06/03/2003)
Dân trồng mía Đăk Lăk phải đốt bỏ mía (06/03/2003)
Mở thầu xây dựng cầu Bãi Cháy (06/03/2003)
Giá vàng bấp bênh theo vùng Vịnh (06/03/2003)
Xuất cá kiếm sang Nhật phải có giấy thống kê (06/03/2003)
Xuất khẩu gạo tăng mạnh (06/03/2003)
Hàng Việt Nam đã có G-Mark ''vào'' Nhật (06/03/2003)
Hàng loạt chương trình khuyến mãi trong dịp 8/3 (06/03/2003)
Mọi người nên mua đồng Việt Nam! (06/03/2003)
Kiến nghị thuế VAT còn 0% cho sản xuất giống thuỷ sản (05/03/2003)
Kim ngạch xuất khẩu dầu thô tăng trên 70% (05/03/2003)
Giá vàng và EUR tăng mạnh (05/03/2003)
Hà Lan giúp Việt Nam xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ (05/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang