Sử dụng vốn ngân sách cho KH-CN:
''Khoa học trên trời, cuộc đời dưới đất''
15:10' 07/03/2003 (GMT+7)

Bao giờ có Quỹ đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao?

(VietNamNet) - Đây là cách nói ví von của Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Công Nghiệp về tình trạng phổ biến những công trình nghiên cứu khoa học sử dụng vốn ngân sách nhưng không mang lại hiệu quả, thiếu tính thực tế và ứng dụng.

Vấn đề này được đưa ra tại Hội thảo ''Tài chính với việc phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN)'' do Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 6/3 tại Hà Nội.

Theo Bộ Tài chính, năm 2001, Ngân sách Nhà nước đã dành hơn 2.322 tỷ đồng đầu tư cho KH-CN, chiếm 2% tổng chi ngân sách và bằng 0,48% GDP. So với năm 1996, số tiền này đã gấp gần 4 lần nhưng chỉ đáp ứng 40% nhu cầu phát triển KH-CN. Trong khi đó, vốn đầu tư KH-CN của Trung Quốc là 0,8% GDP, Malaysia 0,97% GDP và Hàn Quốc là 2,71% GDP. Gánh nặng vốn đầu tư cho phát triển KH-CN vẫn thuộc về Ngân sách Nhà nước (chiếm 80%), còn lại 20% dựa vào vốn tín dụng, vốn của DN, vốn viện trợ của nước ngoài...

Theo kết luận của Hội nghị Trung ương 6 khoá IX, mục tiêu đầu tư cho KH-CN phải đạt được 1% GDP vào năm 2005 và 1,5% GDP vào năm 2010.

Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp cho rằng, cần huy động vốn cho KH-CN từ nhiều nguồn khác nhau. Nhà nước không chỉ đầu tư vào các đơn vị thuộc Nhà nước mà sẽ hỗ trợ cả các thành phần kinh tế khác.

Ông Vũ Văn Hoá, Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, cản trở hiện nay đối với việc đầu tư vào KH-CN là chưa coi trọng hiệu quả, liên kết giữa các nhà khoa học còn lỏng lẻo, hội đồng khoa học đặt ra các yêu cầu cho đề tài sau đó tự duyệt nên làm mất tính khách quan. Ông Hoá lấy ví dụ, tại Học viện Tài chính có đến 10 đề tài về TTCK VN, nhiều giải pháp đưa ra nhưng không gắn hay được áp dụng vào thực tế. Ngoài ra, vấn đề bản quyền không được coi trọng đang làm ''nhụt chí'' cán bộ nghiên cứu. Có sản phẩm nghiên cứu mới công bố được vài hôm thì ''tác giả'' đã thấy ''tác phẩm'' của mình lưu lạc ngoài thị trường.

Theo ông Đặng Ngọc Dinh, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, tại nhiều đơn vị kinh tế, sự nghiệp, đầu tư cho nghiên cứu KH-CN chưa được coi trọng. Trong các DN, cơ cấu vốn đầu tư cho KH-CN không cân xứng: Đổi mới công nghệ chiếm 94% tổng đầu tư cho KH-CN trong khi chỉ có 6% được dành cho nghiên cứu phát triển. Tại các trường đại học, cấp bậc đào tạo chuyên về nghiên cứu, cũng chỉ dành 10% tổng vốn đầu tư cho nghiên cứu khoa học.

TS. Nguyễn Danh Sơn (Bộ Khoa học Công nghệ) cho rằng, việc ''lượng hoá'' để đánh giá các công trình nghiên cứu khoa học hiện nay rất khó khăn và bất cập. Nhiều đề tài cố gắng ''bôi ra'' cho đủ số trang, phát triển các tiểu chủ đề để công trình nghiên cứu được đánh giá là ''tầm cỡ''. Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp, phải xem xét lại tiêu chuẩn đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học và về lâu dài, cần phát triển thị trường dịch vụ khoa học và công nghệ. Các sản phẩm khoa học, công trình nghiên cứu sẽ được ''định giá'' chính xác hơn thông qua nhu cầu của thị trường.

Một vấn đề không mới nhưng đáng chú ý là trình bày của TS. Tạ Ngọc Hà, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc về việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao. Theo TS. Tạ Ngọc Hà, nguồn vốn huy động sẽ được ''đầu tư mạo hiểm'' để triển khai từ một ý tưởng đến khi tạo thành sản phẩm khoa học có giá trị. Việc thành lập quỹ này đã được ghi nhận trong Nghị quyết 07/2000/NQ-CP ngày 5/6/2000, về phát triển công nghiệp phần mềm nhưng đến nay loại quỹ này vẫn chưa được thành lập.  

  • Văn Tiến
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
DN Việt Nam bị áp mức thuế 8,91-51,78% (07/03/2003)
Ngành thuỷ sản sẽ có cơ chế thông thoáng hơn? (07/03/2003)
Phát động chương trình ''ba giảm, ba tăng'' trong bảo vệ thực vật (07/03/2003)
Đẩy mạnh cải cách DNNN sẽ tiết kiệm các nguồn lực (07/03/2003)
VCB ''phá giá'' lãi suất (07/03/2003)
"Sẽ kìm hãm và tiến tới đưa giá đất xuống mức hợp lý" (06/03/2003)
''Việt Nam không có ý định cạnh tranh với Brazil về cà phê'' (06/03/2003)
Thành lập Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (06/03/2003)
Dân trồng mía Đăk Lăk phải đốt bỏ mía (06/03/2003)
Mở thầu xây dựng cầu Bãi Cháy (06/03/2003)
Giá vàng bấp bênh theo vùng Vịnh (06/03/2003)
Xuất cá kiếm sang Nhật phải có giấy thống kê (06/03/2003)
Xuất khẩu gạo tăng mạnh (06/03/2003)
Hàng Việt Nam đã có G-Mark ''vào'' Nhật (06/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang