|
Quang cảnh Hội nghị Doanh nghiệp châu Á lần thứ 13 |
(VietNamNet) - Khi đánh giá việc triển khai Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA), tại Hội nghị Doanh nghiệp châu Á diễn ra vào 5-7/3, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã kể một câu chuyện thú vị và đầy ý nghĩa giữa ông và Phó đại diện thương mại Mỹ Richard Fisher, khi Việt Nam và Mỹ đang đàm phán BTA cách đây gần 4 năm.
Bộ trưởng kể rằng, vào khoảng 10h đêm ngày 24/7/1999, lúc nghỉ giải lao trong buổi đàm phán rất căng thẳng, ông Fisher có hứa tặng một chiếc mũ cao bồi Texas. Sau này, cứ khi có dịp, ông Tuyển lại nhắc. Gần 4 năm kể từ ngày hứa, hơn một năm kể từ ngày ký BTA, ngày 5/3/2003, ông đã nhận được món quà từ tay bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Việt - Mỹ. Ông nói: "Mỹ đã hứa cái gì là tôi đòi bằng được. Và tôi luôn đòi được những cái người ta nợ tôi".
Ông John Bussey, Phó Tổng biên tập tờ Wall Street Journal, đã giới thiệu với cử tọa rằng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển là một nhà lãnh đạo thực tiễn, thẳng thắn và quyết liệt. Ông Bussey cũng kể, khi còn là Bí thư tỉnh ủy Nghệ An, ông Tuyển vẫn đi làm và đi thị sát bằng... xe đạp. |
Câu chuyện này cũng nhắc lại sự khó khăn của quá trình đàm phán BTA, một hiệp định được Bộ trưởng đánh giá là "toàn diện, theo các nguyên tắc của WTO". Ông nhấn mạnh: "Việt Nam luôn cố gắng triển khai BTA. Có nhiều lĩnh vực, Việt Nam còn đi sớm hơn cả Mỹ. Dịch vụ là một ví dụ. Có nhiều lĩnh vực cam kết 5 năm, 7 năm, nhưng Việt Nam đã đi sớm hơn. Hiện xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đang tăng rất nhanh; nhập khẩu cũng tăng nhanh, nhưng không bằng xuất khẩu. Trong tương lai sẽ có sự thay đổi. Nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ sẽ tăng rất mạnh". Tuy vậy, ông cũng nhận định con đường thực thi BTA còn nhiều khó khăn.
Những khó khăn đó đã được bà Phạm Chi Lan, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trình bày. Bà cũng là diễn giả nhận được sự thán phục và những tràng vỗ tay rất dài của cử tọa.
Đó là "năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. 95% các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), và thiếu kinh nghiệm trong thương mại quốc tế. Nhiều trong số họ thậm chí còn chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn cạnh tranh cơ bản về giá cả, thời hạn giao hàng và uy tín...".
Ngoài ra, còn phải kể đến những trở ngại kỹ thuật, điển hình là vụ kiện cá tra, cá basa. Bà Chi Lan dí dỏm nói: "Chúng tôi còn phải học để người nghèo ở Việt Nam không trợ giá cho người giàu ở Mỹ". Bà khuyên các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu kỹ hệ thống pháp lý của Mỹ, và phát triển mối liên hệ ngang và dọc với các doanh nghiệp khác.
Theo đánh giá của bà, "Việt Nam coi BTA là hiệp định thương mại quan trọng nhất Việt Nam từng ký. BTA sẽ thúc đẩy Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rằng họ mới là người đóng vai trò chính trong việc thực hiện BTA. BTA đem đến cho họ, nhất là SMEs, cơ hội tăng cường xuất khẩu vào Mỹ. Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng gấp đôi, có mặt hàng tăng tới 20 lần. Kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 35%".
"BTA là một động lực thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là vào các SMEs. BTA cũng giúp Việt Nam đa dạng hóa mối quan hệ hợp tác, kinh doanh với các nước khác, thông qua các kênh song phương và đa phương. Trong hai năm 2001-2002, ở Việt Nam đã có hàng trăm cuộc thảo luận và họp bàn về BTA và tác động của nó", bà Phạm Chi Lan nói.
Ông Stanley Roth, Phó Chủ tịch Phòng Quan hệ Quốc tế của Tập đoàn Boeing cũng đề cập đến vụ kiện các tra, cá basa. Theo ông, đây là "một dấu hiệu tồi, và làm mất rất nhiều thời gian cho cả hai bên". Ông Jon Huntsman Jr., Phó đại diện Thương mại Mỹ đáp rằng việc kiện tụng là do khu vực tư nhân tiến hành, Chính phủ Mỹ rất coi trọng nghề nuôi cá tra, cá basa của Việt Nam, và hai bên nên lấy "đại cục làm trọng".
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng, thái độ của Chính phủ Mỹ trong vụ kiện này là rất quan trọng. Ông kể thêm: "Coca Cola phá hoàn toàn các ngành sản xuất nước ngọt của Việt Nam. Việc này không phải tôi không biết. Hiện họ có khoảng 260.000 cửa hàng bán sản phẩm ở Việt Nam. Tôi có thể kiện Coca Cola ngay ở đây... Nhưng tôi không làm. Chính phủ Mỹ có thể làm rất nhiều để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương".
|