|
Dệt may Việt Nam chiếm 2,9% giá trị nhập khẩu mặt hàng này của Nhật Bản. |
(VietNamNet) - ''Hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam vào Nhật Bản còn rất ít do chưa đáp ứng được yêu cầu của Nhật Bản về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và hạn giao hàng... Trong khi đó, hai nước đến nay vẫn chưa có thoả ước về vệ sinh, kiểm dịch và các vấn đề khác liên quan đến hàng rào phi quan thuế''.
Đây là nhận xét của ông Ken Arakawa, Tổng Giám đốc Siêu thị Hanoi - Seiyu tại Hội thảo ''Làm thế nào để thâm nhập vào thị trường Nhật Bản'', do Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC) tổ chức ngày 7/3, tại Hà Nội.
Sức cạnh tranh yếu
Theo ông Ken Arakawa, Nhật Bản là một thị trường tiêu dùng rất lớn với dân số gần 127 triệu người và thu nhập bình quân vào khoảng 32.585 USD/người (năm 2001). Hàng nhập khẩu chủ yếu của Nhật là nguyên liệu, thực phẩm, hoá chất, hàng dệt may..., đa số các mặt hàng này đang là lợi thế của Việt Nam. Tuy nhiên, đối tác nhập khẩu chính của Nhật lại là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, và Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong giá trị nhập khẩu của Nhật Bản.
Cụ thể, dầu thô của Việt Nam hiện chiếm 1,802%, hải sản 2,8-3% và may mặc 2,9% kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tương tự của Nhật Bản. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật còn đơn giản, trên 50% là nguyên liệu thô và sản phẩm sơ chế. Một số mặt hàng giá còn cao và chất lượng chưa đồng đều, do đó sức cạnh tranh yếu, tăng trưởng xuất khẩu chưa cao và chưa chiếm được thị phần lớn.
''Thị trường khó tính và khắt khe nhất thế giới''
Hiện nay, yêu cầu tiêu dùng của người Nhật đã nâng lên ở ''đẳng cấp cao'', chủ yếu do thu nhập và đời sống cao của người Nhật. TS. Phạm Văn Phổ - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Hà Nội, nhận định, Nhật Bản là một trong những thị trường khó tính và khắt khe nhất thế giới. Ngoài đòi hỏi về chất lượng, giá cả, người tiêu dùng Nhật còn quan tâm rất nhiều đến mẫu mã, bao bì, sự đa dạng về chủng loại và phù hợp về mầu sắc, chất liệu theo mùa. Đồng thời, hàng hoá phải đáp ứng được yêu cầu sử dụng không ảnh hưởng xấu đến sinh thái và môi trường.
TS. Phạm Văn Phổ: '' Đối với sản phẩm dệt may, họ (người Nhật) chú ý đến từng chi tiết nhỏ, từng mũi kim, đường chỉ, sản phẩm không được có sai sót dù nhỏ. Hay, người Tokyo thích các sản phẩm lớn và màu sắc sặc sỡ nhưng người Asaka lại thích các sản phẩm nhỏ, trơn hay mầu nhã.'' |
Tính khắt khe của thị trường Nhật không còn được thể hiện bằng một hệ thống luật pháp bảo về người tiêu dùng và tiêu chuẩn hàng hoá. Ông Ken Arakawa cho biết, các sản phẩm nhập vào Nhật bắt buộc phải có nhãn mác (thương hiệu), sản phẩm tương ứng phải bảo đảm các tiêu chuẩn như Tiêu chuẩn công nghiệp, Tiêu chuẩn nông nghiệp, chứng nhận chất lượng và có dấu tiêu chuẩn môi trường. Nhà xuất khẩu Việt Nam cũng cần chú ý đến Luật trách nhiệm sản phẩm, Luật vệ sinh thực phẩm, Luật thuế tiêu thụ... của Nhật. Trước khi đưa hàng vào Nhật, phải xem hàng hoá có vi phạm điều cấm gì trong các luật và tiêu chuẩn nói trên hay không?
''Công cuộc'' thâm nhập thị trường
Theo ông Ken Arakawa, muốn thâm nhập thị trường Nhật Bản, DN Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường này, nắm chắc thông tin thị trường thông qua các cơ quan xúc tiến thương mại (VCCI, JETRO). Đồng thời, DN phải đa dạng hoá và nâng cao chất lượng hàng hoá, khai thác điểm mạnh, tính độc đáo, xây dựng và nâng cao thương hiệu. DN xuất khẩu cần chú ý tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế, đặc biệt tổ chức tại Nhật, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm qua mạng Internet... Ông Ken Arakawa cho rằng, DN Việt Nam nên sử dụng chuyên gia tư vấn Nhật trong việc thâm nhập thị trường Nhật Bản.
Tổ chức thương mại quốc tế Nhật Bản (JETRO):
JETRO Hà Nội: Tầng 3, 63 Lý Thái Tổ. Tel: 04-8250 630/ Fax: 04-8250 552.
JETRO TP.HCM: Phòng 1403, Tầng 14 Toà nhà Sun Wah, 115 Nguyễn Huệ, quận 1. Tel: 08-8219 363/ Fax: 08-8219 362.
Website: www.jetro.go.jp |
DN có khả năng tài chính và sản phẩm cạnh tranh có thể thành lập các văn phòng đại diện hay chi nhánh ngay trên đất Nhật thông qua tư vấn của JETRO. Tuy nhiên, sẽ thuận lợi hơn nếu DN tìm được nhà phân phối đáng tin cậy. Hệ thống phân phối ở Nhật rất quan trọng bởi qua hệ thống phân phối uy tín, hàng hoá nhập khẩu được ''để mắt'' nhiều hơn và có thể bán gấp 3-4 lần giá nhập.
Theo TS. Phạm Văn Phổ, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý một số kinh nghiệm khi đàm phán với người Nhật. Đặc điểm đàm phán của người Nhật là giữ thái độ ôn hoà, nhẫn nại, có thể ''cười ngay cả khi từ chối'' nên rất khó biết được họ đang nghĩ gì. Chẳng hạn, người Nhật rất coi trọng câu chuyện ''bên lề'' trước cuộc đàm phán, xem xét kỹ lưỡng những thông tin trao đổi ban đầu, khéo léo trong giai đoạn thuyết phục và chỉ nhượng bộ trong cuộc đàm phán cuối cùng. Ông Phổ cũng lưu ý, DN Việt Nam khi làm ăn với người Nhật phải giao hàng đúng hẹn, nếu chậm có thể bị huỷ hợp đồng hoặc bị phạt.
Ông Ken Arakawa có lời khuyên đối với các DN Việt Nam rằng, cạnh tranh trên thị trường thế giới đang trở thành một cuộc chiến giữa các thương hiệu chứ không đơn thuần là một cuộc ''chiến tranh giá cả, chất lượng'' thông thường. Vì vậy, các DN xuất khẩu cần xác định rõ và tận dụng triệt để lợi thế cạnh tranh của mình cũng như sự khác biệt giữa sản phẩm cung cấp so với sản phẩm khác cùng loại trên thị trường.
|