|
''Phnom Penh giống như một công trường xây dựng lớn...''. |
(VietNamNet) - Đến Việt Nam tham dự Hội nghị Asia Society lần này, ông Sok Siphana, Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia ''thực sự ngạc nhiên vì sự thay đổi của đất nước các bạn''. Bộ trưởng đã trao đổi với báo giới về triển vọng quan hệ thương mại giữa hai nước.
- Bộ trưởng đánh giá như thế nào về khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam tại thị trường Camuchia?
- Theo tôi, hàng Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh ở Campuchia, bởi Campuchia thiếu hụt nhiều thứ mà Việt Nam có thể đáp ứng.
- Cụ thể loại hàng nào của Việt Nam có thể vào thị trường Campuchia?
- Rất nhiều hàng hóa Việt Nam đang và sẽ cạnh tranh rất tốt tại thị trường Campuchia, trong đó, hàng vật liệu xây dựng là loại có tiềm năng lớn. Tôi có thể so sánh Phnompenh và các thành phố lớn của nước chúng tôi như Hà Nội vậy, giống một công trường khổng lồ. Tôi đã đến đây vài tháng trước, nay quay lại Hà Nội thì thấy hàng loạt nhà cao tầng và khu đô thị mới. Ở Phnompenh cũng vậy, ngành công nghiệp xây dựng hiện thu hút rất nhiều vốn đầu tư của xã hội. Rất nhiều công ty cung cấp vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, sơn... đang làm ăn khá thành công tại Campuchia. Tôi nghĩ các nhà kinh doanh Việt Nam không nên bỏ qua cơ hội này.
- Vậy còn cơ hội đầu tư dành cho doanh nhân Việt Nam?
- Theo tôi, vấn đề là chúng ta phải tìm được những thế mạnh có thể tương hỗ với nhau để lập những liên doanh, kết hợp sức mạnh của cả hai bên. Một mặt, chúng tôi sẽ xem xét Campuchia có thể mạnh gì về tài nguyên, mặt khác, vùng đất nào mà nhà đầu tư Việt Nam có thể đầu tư một cách hiệu quả nhất. Kết hợp sức mạnh để bù trừ điểm yếu của cả hai bên, đó là bí quyết thành công. Nếu cả hai đều mạnh về cùng một phương diện thì còn làm ăn với nhau sao được? Chúng tôi đang tìm cách để tạo ra những liên doanh mạnh giữa hai nước.
- Có nhiều nhà đầu tư Campuchia quan tâm đến thị trường Việt Nam hay không?
- Các doanh nghiệp Campuchia đang cố gắng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở địa phương, bởi nhu cầu trong nước dễ thỏa mãn hơn. Khi thị trường trong nước đã tương đối ''đầy'', doanh nghiệp có thể nghĩ đến việc thâm nhập thị trường nước ngoài. Rất có thể, trong 3-4 năm tới sẽ có những doanh nghiệp Campuchia đến làm ăn trực tiếp tại Việt Nam.
- Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển du lịch giữa hai nước?
- Tôi cho rằng, ba nước Đông Dương rất có tiềm năng về du lịch. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng hệ thống du lịch của vùng thành một thể thống nhất. Sẽ thật tuyệt vời nếu du khách có thể tham quan cả Hà Nội, TP.HCM, Phnompenh, Vientian... chỉ trong một tour. Một vấn đề quan trọng đang đặt ra là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, bởi nếu không có những tuyến giao thông tốt thì chúng ta chẳng thể bán bất cứ hàng hóa nào. Phải, chúng tôi coi du lịch thực sự là một loại hàng hóa, trong đó, chất lượng dịch vụ là yếu tố cạnh tranh hàng đầu.
- Theo Bộ trưởng, quan hệ thương mại giữa hai nước có khó khăn nào không, thí dụ như việc thanh toán trong thương mại biên mậu?
- Trong quan hệ buôn bán quốc tế thông thường, hai bên có thể thanh toán một cách đơn giản bằng thư tín dụng (L/C), bằng các công cụ hiện đại của ngân hàng, được bảo vệ bằng mọi quy định luật pháp quốc tế. Nhưng với buôn bán biên mậu, những phương tiện đó được sử dụng rất hạn chế. Những người dân sống ở hai biên giới cũng sản xuất và muốn bán sản phẩm của họ, nhưng lại không quen sử dụng dịch vụ ngân hàng. Tập quán thương mại, cách nghĩ, cách làm của họ cũng khác với thương nhân ở các thành phố, đô thị. Bộ Thương mại hai nước đang cố gắng để kiểu thương mại này có thể được tiến hành một cách đơn giản, đặc biệt là cách giao dịch và thanh toán. Theo tôi, chúng ta nên mạnh dạn cho phép khu vực tư nhân, các công ty tín dụng và ngân hàng thương mại cổ phần được làm ăn ở khu vực này.
|