Giám đốc Trung tâm Năng lượng ASEAN Guillermo R.Balce:
Nếu chiến tranh nổ ra, Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều về năng lượng
10:33' 14/03/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) -  "Vấn đề của Việt Nam không nằm ở giá dầu, mà ở sự ổn định của nguồn cung cấp và tuyến đường vận chuyển dầu thô từ Trung Đông, nhất là từ Ảrập Xêút tới Singapore" - Tiến sĩ Balce đã nhận định như vậy khi trao đổi với phóng viên VietNamNet.

- Xin ông cho biết, nếu chiến tranh Iraq xảy ra, cuộc chiến đó sẽ có tác động như thế nào tới an ninh năng lượng của ASEAN? 

- Nguồn cung cấp dầu thô chủ yếu của khu vực ASEAN là Ảrập Xêút, Iran, Các tiểu vương quốc Ảrập, Oman, Qatar và Kuwait. Khối lượng dầu đến từ Iraq không đáng kể. Tuy những nước kia đều rất gần nơi sẽ xảy ra chiến sự, chiến tranh khó có thể gây ảnh hưởng tới khả năng khai thác và sản xuất dầu của họ. Vì các cường quốc sẽ không để thảm họa đó xảy ra. Nhưng cuộc chiến sẽ tác động mạnh tới giá dầu thô, các chế phẩm từ dầu mỏ và tuyến đường vận chuyển. Trong ASEAN, các nước nhập khẩu nhiều dầu thô từ Trung Đông là Singapore, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Họ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trung tâm Năng lượng ASEAN là cơ quan hợp tác về năng lượng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trung tâm có trụ sở tại Jakarta, thủ đô của Indonesia.

Tiến sĩ Guillermo R.Balce là Giám đốc Điều hành của Trung tâm Năng lượng ASEAN. Ông từng giữ các chức vụ Giám đốc Viện Mỏ-Địa chất, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Năng lượng Philippines, Giám đốc ủy ban Điều phối và Thăm dò các nguồn tài nguyên khoáng sản ngoài khơi châu Á của ESCAP.

Về các chế phẩm từ dầu mỏ: khu vực Trung Đông chỉ chiếm khoảng 20% lượng xăng dầu nhập khẩu của ASEAN. Nguồn cung cấp chủ yếu của ASEAN là Singapore. Vấn đề là ở chỗ trên 80% lượng dầu thô Singapore nhập khẩu lại đến từ Trung Đông. Do đó, nếu có trục trặc gì trong cung cấp dầu thô từ Trung Đông đến Singapore, thì các nước ASEAN khác cũng sẽ gặp khó khăn khi mua các chế phẩm.

- Vậy còn Việt Nam? 

- Theo dự đoán của tôi, Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Vì Việt Nam là một nước vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu xăng dầu. Giá xăng dầu tăng sẽ được bù đắp bởi giá dầu thô tăng.

Các bạn cũng không nhập xăng dầu từ Trung Đông. 90% lượng xăng dầu Việt Nam tiêu dùng được nhập từ Singapore. Vấn đề của Việt Nam không nằm ở giá dầu, mà ở sự ổn định của nguồn cung cấp và tuyến đường vận chuyển dầu thô từ Trung Đông, nhất là từ Ảrập Xêút đến Singapore. 

- Cuộc chiến đang đến gần, vậy các nước ASEAN đã có sự chuẩn bị gì? 

- Số dầu thô và chế phẩm Singapore đang có đủ dùng trong 90 ngày. Nhưng nếu nguồn cung dầu từ Trung Đông bị gián đoạn, các nhà máy lọc dầu sẽ ngay lập tức thiếu nguyên liệu. Philippines, lượng dầu đang có ở nước này đủ cung cấp cho cả nước trong khoảng 52 ngày, trong đó các nhà máy chế xuất 30 ngày, người dân 7 ngày, và các nguồn cung khác 15 ngày. Thái Lan sẽ thiếu dầu sau 50 ngày, Malaysia sau 29 ngày (dự trữ hiện tại 14 triệu thùng), Brunei sau 21 ngày, và Indonesia 17 ngày.

Theo thông tin mới nhất mà tôi nhận được, Thái Lan đã có kế hoạch bình ổn giá dầu. Chính phủ sẽ có quỹ dự phòng để trợ giá nhập khẩu dầu. Philippines đã từng có những kế hoạch kiểu này, nhưng  từ năm 1997 đến nay thì không. Giá dầu ở Philippines hoàn toàn thả nổi.

Nếu cuộc chiến kết thúc trong vòng một tháng, sẽ không có vấn đề gì lớn. Nhưng nếu nó kéo dài, thì thật đáng lo ngại. 

- Trong bản báo cáo Theo dõi Kinh tế châu Á (Asia Economic Monitor) công bố ngày 10/2, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán nếu chiến tranh kéo dài, giá dầu có thể lên tới 100 USD/thùng. Ông có đồng ý với dự đoán này không?

- Rất khó dự đoán những biến động về giá dầu. Nhưng 100 USD/thùng? Cái giá đó quá sức chịu đựng của rất rất nhiều nền kinh tế, trong đó có các nền kinh tế ASEAN. Nếu giá dầu lên tới cỡ đó, nhiều chính phủ phải xin từ chức mất. Tôi đành đoán vậy. Cao nhất là 50 USD/thùng, nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn. Không thể vượt quá con số 50.  

- Xin ông cho biết quan điểm của ông về việc xây dựng các kho dự trữ dầu chiến lược.

- Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) yêu cầu các nước thành viên phải có lượng dầu dự trữ đủ dùng trong ít nhất 90 ngày. Mỹ, Nhật, Hàn Quốc có những kho dự trữ dầu rất lớn. Trung Quốc cũng đang rất chú ý đến vấn đề này. Dự trữ đảm bảo cho sự ổn định. Tuy nhiên, lập nên các kho dự trữ dầu rất tốn kém.

Hội đồng Dầu mỏ ASEAN đang xem xét lại Hiệp định An ninh dầu mỏ ASEAN, trong đó có một phần về dự trữ dầu. Vào 14-15/4, các nước ASEAN sẽ họp bàn về vấn đề này. Philippines và Thái Lan có vẻ quan tâm đến ý tưởng trên. 

- Ông có góp ý gì cho chiến lược phát triển năng lượng của đất nước chúng tôi.

- Tôi cho rằng Việt Nam có hướng đi đúng đắn. Lượng dầu các bạn khai thác rất ổn định. Vài năm nữa, Việt Nam sẽ tự chế xuất được xăng dầu. Đến năm 2010, phần lớn chế phẩm từ đầu mà Việt Nam tiêu dùng sẽ do chính các bạn sản xuất.

Việt Nam cũng đang tích cực khai thác tiềm năng thủy điện. Tôi được biết, các bạn dự định xây nhà máy điện nguyên tử. Nhà máy điện nguyên tử sẽ cung cấp điện giá rẻ, nhưng nguy hiểm đấy. Tôi thấy Việt Nam có rất nhiều than. Than của Việt Nam lại rất tốt. Các bạn nên tận dụng nguồn than này.

Trong một tương lai gần, tính tự lập trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam là rất cao. Như vậy sẽ an tâm hơn, nhất là trong bối cảnh quốc tế nhiều bất ổn như hiện nay.

  • Đặng Hương (thực hiện)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ngân hàng trong ''vòng xoáy'' tăng lãi suất huy động vốn (14/03/2003)
Siết chặt quản lý hàng xuất sang Mỹ (14/03/2003)
Mỹ: Hai tập đoàn kinh tế lớn "đau đầu" khủng hoảng (14/03/2003)
Hạt muối được đăng ký thương hiệu (13/03/2003)
Giá xe máy "xịn", phân khối lớn sẽ bị đánh thuế cao? (13/03/2003)
4 tổ chức tại Mỹ phản đối áp dụng hạn ngạch dệt may Việt Nam (13/03/2003)
Thịt bò Mỹ bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam (13/03/2003)
Siêu lừa kiểu DONA (kỳ II) (13/03/2003)
Tổng công ty Cao su chỉ CPH các công ty nhỏ (13/03/2003)
603.750 tỷ đồng cho tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM (13/03/2003)
Vận hành tổ máy số 1 Nhà máy thuỷ điện Nà Lơi (13/03/2003)
Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn trong DN Việt Nam (13/03/2003)
Đường thốt nốt An Giang sang Mỹ (13/03/2003)
Đấu thầu mua 5 máy bay Airbus (13/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang