(VietNamNet) - Sau bao nhiêu bước nhảy vọt của thực tiễn hoạt động quảng cáo ở Việt Nam, Chính phủ mới ra được một văn bản thay thế Nghị định 194/CP năm 1994 về hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, văn bản mới này dường như vẫn giẫm lên vết chân xưa của văn bản cũ...
Một trong những quy định được nhiều người quan tâm nhất là thời gian đăng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, cũng như Nghị định ban hành cách đây 9 năm, Nghị định 24/2003 của Chính phủ lại cấm không cho một đợt phát sóng mỗi sản phẩm quảng cáo kéo dài quá 8 ngày. Trò chuyện với VietNamNet, không ít chuyên gia trong ngành quảng cáo cảm thấy bất bình về quy định này.
Ông Ng. Minh Toàn (Công ty Quảng cáo X) khẳng định: ''Mỗi doanh nghiệp (DN) khi tung ra một chiến lược quảng cáo phải tính rất kỹ tần số xuất hiện của quảng cáo: bao nhiêu lần trong một ngày và bao nhiêu lâu thì đủ cho sản phẩm đó. Đó là những tính toán dựa trên cơ sở khoa học, bằng những con số hẳn hoi, không một công ty nào có thể tự nghĩ ra việc quảng cáo một đợt 7 hay 8 ngày... Các DN thường phải trả khá nhiều tiền cho việc tính toán tần suất xuất hiện quảng cáo. Do vậy, hạn chế như thế là vô lý''.
Ông Toàn còn cho biết, trước đây, nhiều công ty lớn mua bản quyền phim truyền hình để các đài trung ương và địa phương chiếu miễn phí, với điều kiện để họ được quảng cáo trong thời gian phát chương trình đó. ''Rất nhiều chương trình giải trí hấp dẫn trên truyền hình hiện sống nhờ quảng cáo. Hạn chế quảng cáo có thể khiến các chương trình truyền hình trở nên tẻ ngắt do thiếu kinh phí. Như vậy chỉ bất lợi cho đại đa số người dân'', ông Toàn nhận xét.
Theo ông Ng. Minh Toàn, các công ty lớn phải theo đuổi một chương trình quảng cáo rất dài hơi mới ghi được hình ảnh sản phẩm vào trí óc những khách hàng tương lai của mình. Thống kê cho thấy, người tiêu dùng xem quảng cáo 6 lần nhìn mới có một lần thấy, 6 lần thấy mới có một lần đọc, 6 lần đọc mới có một lần nhớ. ''Ở New York, một ngày trung bình một người nhìn 5.000 thông điệp quảng cáo. Việt Nam cũng sẽ có ngày phát triển đến mức độ đó. Giữa một rừng quảng cáo như vậy, nếu chỉ phát vài ngày thì sao người tiêu dùng có được ấn tượng về sản phẩm của doanh nghiệp?'' - ông Toàn đặt câu hỏi. |
Một số chuyên gia có kinh nghiệm còn cho biết, thực ra quy định như vậy hoàn toàn không chặt chẽ và chẳng mấy tác dụng. Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Công ty quảng cáo Leo Burnett nói với VietNamNet: ''Hầu hết các DN đều tiến hành một đợt quảng cáo 8 ngày, rồi nghỉ một ngày, sau đó lại quảng cáo tiếp. Như vậy không ai có thể nói là sai luật. Thêm vào đó, không mấy đài phát thanh hay truyền hình làm quá chặt chẽ những quy định như vậy''. Về phía DN, bà Uyên cho biết, nhiều DN mong muốn đăng ký phát quảng cáo càng nhiều càng tốt, ngừng phát hay không là tuỳ báo, đài. Ít có DN nào căn cứ trên những quy định đó để phát quảng cáo.
VietNamNet cũng phỏng vấn một chuyên viên marketing của Công ty Ford Việt Nam, DN khá nổi tiếng với những quảng cáo hấp dẫn trên truyền hình. Chị tỏ ra rất lo lắng trước quy định trên: ''Một chương trình quảng cáo của chúng tôi có thể kéo dài đến 1-2 tháng liền (thí dụ, quảng cáo sản phẩm Ford Laser). Nếu bị hạn chế như vậy, công việc kinh doanh của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Thêm vào đó, việc cấm đoán thực chất sẽ ngăn cản phát triển kinh tế bởi không kích thích tiêu dùng, không kích thích sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế''. Nghị định 24/2003 nêu rõ, không được ngắt một chương trình phim truyện quá hai lần để phát quảng cáo, mỗi lần không quá 5 phút; mỗi chương trình vui chơi giải trí trên đài phát thanh, đài truyền hình cũng không được quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá bốn phút. Trên thực tế, các chương trình được tài trợ như Chiếc nón kỳ diệu, Đường lên đỉnh Olympia, Hành trình văn hóa... vẫn dành đến 1/3 thời gian cho quảng cáo đấy thôi...
Quy định về quảng cáo ngoài trời, Nghị định 194/CP năm 1994 cấm những panô, biển, bảng... ảnh hưởng đến giao thông, giá trị thẩm mỹ của các công trình kiến trúc và cảnh quan môi trường. Chi tiết không kém, Nghị định 24/2003 còn quy định, quảng cáo phải phù hợp với quy hoạch đô thị, an toàn xã hội, mỹ quan và cảnh quan môi trường. Tuy nhiên, thế nào là ''phù hợp'' thì lại chưa thấy văn bản nào quy định cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Tố Uyên khẳng định với VietNamNet: ''Thực ra quy định như vậy rất không rõ ràng, bởi thế nào là phù hợp lại tuỳ quan điểm của mỗi người, mỗi cơ quan hay doanh nghiệp. Đi qua nhiều quốc gia, Thái Lan hay Singapore, tôi thấy họ rất thoải mái trong quản lý hoạt động quảng cáo. Họ không có những quy định kiểu như vậy''. Tóm lại, quy định trên không có mấy tác dụng trong thực tiễn.
Một chuyên viên một công ty quảng cáo có tiếng ở Hà Nội than rằng: ''Nhà nước cứ hô hào xây dựng thương hiệu. Tạo dựng hình ảnh một thương hiệu hết bao lâu? Hết 8 ngày, hay 100 lần, 1.000 lần con số đó? Chủ trương của Nhà nước cứ ''kênh'' nhau như vậy, DN biết làm thế nào?''.
|