|
Nhân công rẻ là lợi thế lớn của các tỉnh. | Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dệt may (Vinatex) kiêm Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng, riêng công đoạn sản xuất, các nhà máy may không nên đặt tại TP lớn. Lao động ở TP ngày càng tăng, đất đai khan hiếm và đắt, giao thông khó khăn... Hơn nữa, người lao động ở thành thị có xu hướng không muốn làm trong ngành may (khâu sản xuất) nữa.
''Tất nhiên, không thể phát triển sản xuất hàng may ở tất cả các tỉnh, mà phải chọn những địa phương đông dân, vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng thuận lợi cho sản xuất, nhập khẩu hàng (như các cảng ở TP.HCM và Hải Phòng - hai đầu mối xuất nhập hàng chính của Việt Nam). Hiện các thành viên của Vinatex đang đầu tư/hợp tác với 24 tỉnh có điều kiện thuận lợi trên để phát triển cơ sở may xuất khẩu''.
- Lợi thế của các tỉnh là giá đất và nhân công rẻ, nhưng lại phải về các TP lớn lấy nguyên liệu rồi chở thành phẩm ngược trở lại, làm tăng chi phí. Theo ông, lợi thế của các tỉnh liệu có bù đắp được bất lợi?
- Ngoài việc tăng chi phí vận chuyển, đưa nhà máy may đi xa còn bất tiện cho việc kiểm hàng của chuyên gia nước ngoài, vì ở xa nên họ ngại đến. Tuy nhiên, khi cân đối giữa các chi phí phát sinh và những khoản tiết kiệm do lợi thế của địa phương mang lại, chúng tôi nhận thấy, nếu tổ chức quản lý tốt thì đưa các nhà máy về tỉnh vẫn lợi hơn.
- Các địa phương không thiếu lao động phổ thông, nhưng kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thì không dễ tìm. Vinatex giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Trong giai đoạn đầu, các công ty phải đưa kỹ thuật viên, cán bộ quản lý về. Sau đó, đội ngũ quản đốc, kỹ thuật viên, trưởng chuyền... sẽ được đào tạo tại địa phương.
- Như vậy trong tương lai, TP.HCM và Hà Nội sẽ không còn những xưởng may lớn như hiện nay?
- Những xưởng may lớn của Vinatex đang có ở hai TP này có thể dời về các tỉnh, cũng có thể ở lại TP nhưng chắc chắn không phát triển thêm. Hiện chúng tôi đang cân nhắc khả năng dời khu sản xuất của Công ty May Việt Tiến ở đường Lê Minh Xuân để xây một trung tâm thương mại. Những xưởng còn lại của Vinatex ở TP sẽ dần chuyển sang làm những mặt hàng cao cấp, như May Nhà Bè chuyển sang làm veston.
Tương lai, TP.HCM và Hà Nội chỉ còn những xưởng may công nghệ cao. Những xưởng này phải có năng suất lao động gấp 1,5-2 lần xưởng thường mới bù đắp được bất lợi về giá nhân công.
- Đi tiên phong trong việc chuyển khâu sản xuất về các tỉnh, chắc chắn bước đầu Vinatex cũng gặp nhiều khó khăn?
- Khó chứ. Công ty May Phương Đông xây một nhà máy ở Quảng Ngãi, lúa đầu việc giao hàng cho khách có vấn đề. Do ở xa nên tốc độ giao hàng dễ bị chậm và khi xảy ra sự cố, tổng công ty khó cứu. Ví như trường hợp không làm kịp đơn đặt hàng, nếu ở TP.HCM có thể nhờ mỗi công ty gánh một ít. Hoặc thiếu nguyên liệu, phụ liệu thì mượn tạm của ai đó. Nhưng khi ở xa, lại có một mình thì không dễ cứu.
(Theo TBKTSG) |