''Đây chỉ là mức giá tạm thời. Tới đây giá điều thô sẽ được giảm dần xuống còn 7.500 đồng/kg, hoặc các nhà máy sẽ tạm ngừng thu mua để kiềm giá điều'', ông Hồ Ngọc Cầm, Chủ tịch Vinacas nói. Lý do, theo ông Cầm, là niên vụ điều tại Brazil đã kết thúc với sản lượng tăng khoảng 10%. Do đó, giá điều xuất khẩu giảm mạnh, hiện chỉ còn 3.150-3.200 USD/tấn. Ngoài ra, hàng loạt chi phí khác đều tăng như tiền lương, cước vận tải... khiến giá thành chế biến nhân điều trong nước tăng.
Theo tính toán của các nhà chế biến, với mức giá nguyên liệu hạt điều thô là 7.500 đồng/kg, hầu hết các doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu nhân điều chỉ có thể hoà vốn hoặc lỗ. Vậy tại sao phải nâng giá thu mua nguyên liệu? ''Các DN đã phá rào, tự ý nâng giá để cạnh tranh mua nguyên liệu, khiến giá điều thô tăng mạnh'', giám đốc một DN chế biến nhân điều tại Bình Phước cho biết.
Theo số liệu của Vinacas, từ đầu vụ đến nay, các DN ngành điều đã thu mua hơn 40.000 tấn điều thô (20% sản lượng của cả nước) với mức giá 8.500-8.700 đồng/kg, tương đương 9.700-9.800 đồng/kg điều nhập kho (điều khô). Như vậy, giá trần mới (8.000 đồng/kg) thực chất là giảm 500-700 đồng so với giá mua thực tế của các nhà máy.
Liệu nông dân có được hưởng lợi khi giá thu mua thực tế vượt giá trần mà Vinacas công bố? Giám đốc một DN chế biến và xuất khẩu nhân điều tại TP.HCM thừa nhận: ''Nông dân không bán được giá cao, bởi các DN đều mua qua thương lái, chính đối tượng này mới được hưởng lợi''. Ông Hồ Ngọc Cầm cho biết, chỉ 20-25% lượng điều của các đơn vị chế biến được mua trực tiếp từ nông dân, còn lại mua qua trung gian. Hạt điều tươi đầu vụ được các thương lái xuống tận vườn tìm mua với giá 9.500-10.500 đồng/kg. Nhưng khi Vinacas công bố mức giá 7.000 đồng/kg (ngày 22-2), giá đã rớt xuống 8.000 đồng rồi 7.000-7.500 đồng/kg. Một cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Bình Long (Bình Phước) cho biết, địa phương này có hơn 7.000ha điều đang bước vào vụ thu hoạch, nhiều nông dân lo lắng khi nghe thông tin giá điều tiếp tục giảm, nhất là trong điều kiện năng suất điều năm nay giảm sút so với mọi năm.
Có cần giá trần?
Tại cuộc họp mới đây của Vinacas, một số DN cho rằng, khó đưa ra được mức giá thu mua thích hợp cho tất cả các đơn vị. Tùy từng vùng, tùy chất lượng nguyên liệu và nội lực của mỗi nhà máy mà giá thu mua sẽ được điều chỉnh hợp lý. Ông Cầm thừa nhận, tại thời điểm này, không một nhà máy nào có thể mua điều với mức giá 7.000-7.500 đồng/kg.
''Liệu giá trần có còn tác dụng, có nên tồn tại hay không nếu chính các DN lớn của ngành không thực hiện cam kết, tìm mọi cách để thu hút nguyên liệu...'', giám đốc một DN ở miền Trung nói. Ông Đỗ Xuân Hoà (Cục Chế biến nông lâm sản và ngành nghề nông thôn) cũng nhận định, việc đưa ra giá thu mua điều chỉ là giải pháp tình thế. Nếu Vinacas làm giá giảm liên tục thì nông dân sẽ mất lòng tin, họ sẽ chặt điều.
Theo thông tin từ một số đối tác nhập khẩu nhân điều nước ngoài, giá điều trên thị trường thế giới có thể sẽ bất lợi đối với Việt Nam do sản lượng năm nay khá cao. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự đoán. ''Chúng ta cần những thông tin chính thống về thị trường thế giới, Vinacas phải hỗ trợ DN cập nhật thông tin để ra được quyết định đúng'', một nhà chế biến nói.
(Theo Tuổi Trẻ)