Hiện nay, tem giả đã xuất hiện ở cả 17 mặt hàng nhập khẩu theo quy định. Chất lượng tem giả không hề kém, thậm chí còn tốt hơn tem thật. Tại cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 127 hôm qua (17/3), Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường - Bộ Thương mại, ông Lê Thế Bảo, nhận định, tem nhập khẩu đang dần bị vô hiệu hóa.
Thủ đoạn mới của bọn buôn lậu xuất hiện khi hải quan các cửa khẩu không dán tem mà giao cho DN tự làm. Theo các lực lượng quản lý thị trường (QLTT), công an, hải quan, thủ đoạn phổ biến của bọn buôn lậu là sau khi nhận tem, chúng không dán trực tiếp vào hàng hóa mà giữ lại, khi bán hàng cần tem mới dán; nếu không, sẽ sử dụng vào nhập lậu hàng, hàng thu gom của người đi nước ngoài về.
Tem rượu hiện nay được in đồng loạt, cùng một loại cho tất cả các loại rượu. Vì vậy, bọn buôn lậu đã nhập khẩu rượu vang giá rẻ để dùng tem đó dán vào rượu nhập lậu giá cao. Đáng chú ý, theo ông Bảo, là tình trạng tem được in từ nước ngoài về Việt Nam với khối lượng lớn mà hiện nay chưa bắt được. Loại tem này được in tốt, đẹp hơn, giấy dai hơn tem thật, thậm chí cũng phát sáng như tem thật.
Ông Nguyễn Chí Phương, Phó Chi cục QLTT TP.HCM, cũng xác nhận đã phát hiện nhiều trường hợp mua bán, sử dụng tem giả tại các trung tâm kinh doanh, siêu thị, chợ. Như năm 2002, QLTT TP đã tạm giữ trên 3.000 chai rượu và một số đầu video, tủ lạnh... và phát hiện hàng nghìn chai rượu dán tem giả. Tem này chỉ 4.000-5.000 đồng/con, tem điện lạnh 10.000-15.000 đồng/con, tuỳ thời điểm.
Hiện nay, số lượng tem phải dán trên các mặt hàng rượu lên tới trên 5 triệu chiếc/năm; tem dán cho máy bơm nước lên đến 500.000 chiếc vào năm 2002; tem dán xe đạp từ 9.000 (2000) lên 120.000 chiếc (2002). |
Cao thủ hơn, có chuyện xe tải chở toàn vỏ quạt, nồi cơm điện đi một cửa khẩu, một xe khác chở các phụ kiện đi cửa khẩu kia, sau khi nhập vào tập trung về một địa điểm và ráp lại thành ''sản phẩm hoàn chỉnh” bán ra thị trường mà không phải dán tem.
Đối sách - mỗi người một cách
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho rằng, việc dán tem mà giao cho DN là ''không thể tin được", vì cách hậu kiểm ở Việt Nam là ''không giống ai''. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc có quan điểm khác: ''Xu hướng các nước là người ta để cho DN dán tem. Theo tôi, việc giao cho hải quan dán tem là thiếu tính khả thi, nếu giao cho hải quan thì cũng phải cho tôi thêm người và trang thiết bị''.
Kiến nghị các biện pháp quản lý chặt hơn việc dán tem, mỗi cơ quan chức năng đưa ra một cách: in mỗi chủng loại rượu một loại tem; không để DN dán tem mà bố trí khu vực dán tem riêng ở cửa khẩu; buôn bán, tàng trữ, sản xuất 20 con tem giả trở lên sẽ bị khởi tố hình sự... Các biện pháp này sẽ được Ban Chỉ đạo 127 TƯ nghiên cứu để trình Chính phủ.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đánh giá hoạt động của các trạm kiểm soát liên hợp còn hạn chế. Ông Nguyễn Hữu Vinh cho rằng, tiêu cực trong lực lượng cán bộ, nhân viên ở một số trạm còn lớn. ''Các trạm kiểm soát liên hợp làm mạnh sẽ làm giảm được nạn buôn lậu, vì các trạm kiểm soát 24/24 giờ. Việc đưa hàng lậu về nội địa cũng chỉ có một số con đường'', ông Vinh nói.
(Theo Thanh Niên) |