|
Ông Bush tránh né mọi câu hỏi liên quan đến chi phí chiến tranh. |
Sau khi Tổng thống Bush đưa ra bản tối hậu thư trên truyền hình sáng qua (giờ Việt Nam), khả năng một cuộc chiến tàn khốc chống Iraq là vấn đề chỉ ngày một ngày hai. Tuy nhiên, trong nội bộ nước Mỹ, một câu hỏi đang đặt ra cũng không kém phần khốc liệt: cuộc chiến này sẽ tiêu tốn của họ bao nhiêu tỷ USD.
Tổng thống Bush: "ngập ngừng" chi phí chiến tranh
Tổng thống Bush khẳng định không còn cơ hội cho hoà bình nếu Tổng thống Saddam Hussein không rời khỏi Iraq. Nhưng đồng thời, ông cũng tránh né tất cả những câu hỏi xung quanh việc nước Mỹ sẽ phải chi bao nhiêu tiền cho chiến tranh và tái thiết Iraq (nếu chiến thắng).
Trong cuộc họp đầu tháng này, ông Bush đã khẳng định sẽ đảm bảo một tương lai khả quan cho đồng USD, và rằng chính quyền của ông sẽ đưa ra dự trù ngân sách bổ sung trước Quốc hội vào... "một thời điểm thích hợp nào đó". Phe Dân chủ đã chỉ trích ông Bush về sự "lập lờ" này và cảnh báo rằng chi phí cho chiến tranh sẽ ảnh hưởng lớn tới ngân sách liên bang vốn đang bị thâm hụt ở mức cao nhất từ năm 95 trở lại đây.
Nhiều phỏng đoán
Tháng 11/2002, cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống Bush, Larry Lindsey cho biết chiến tranh có thể tiêu tốn của nước Mỹ từ 100 đến 200 tỷ USD, phỏng đoán này ngay lập tức đã làm phiền lòng Nhà Trắng và người dân Mỹ.
Mitch Daniels, Chủ nhiệm Uỷ ban Ngân sách Quốc gia, tháng 12 sau đó đã đưa ra con số 50-60 tỷ USD, nhưng đồng thời cũng cho biết không ai có thể nói chính xác con số này. Nếu so sánh với cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 đã tiêu tốn 60 tỷ USD thì có thể thấy con số này là không khả thi.
Đảng Dân chủ đưa ra con số 93 tỷ USD. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) lại đưa ra con số quá thấp, chỉ có 9-13 tỷ USD cho việc triển khai quân đội ban đầu và 9 tỷ USD cho một tháng sau đó.
Trung tâm Chiến lược và Ngân sách quốc gia, một đơn vị phi đảng phái trong tháng 2 vừa qua đã đưa ra con số 18-85 tỷ USD cho chiến tranh, 25-105 tỷ USD cho 5 năm sau hậu chiến, 84-498 tỷ USD cho hoạt động nhân đạo và các hoạt động cứu trợ khác.
Hậu chiến - vấn đề nan giải
Trong bản báo cáo "Iraq, những ngày sau cuộc chiến" của Uỷ ban Quan hệ đối ngoại, đã đưa ra những hậu quả mà nước Mỹ phải đối mặt trong và sau cuộc chiến; đồng thời khẳng định: "Hậu chiến mới là vấn đề nan giải"
Một tác giả của bản báo cáo, James R. Schlesinger, Thư ký an ninh dưới hai thời tổng thống Nixon, Ford, và Thomas R. Pichkering, một quan chức dưới thời Bush cha đều khẳng định rằng hậu chiến, bao gồm tái xây dựng Iraq, viện trợ nhân đạo và triển khai quân đội (ít nhất là 75.00 quân), có thể tốn 20 tỷ USD mỗi năm và tổng số năm thì chưa thể nói trước được. Trong khi đó, các nước đồng minh của Mỹ thì chưa thể nói trước là họ sẽ đóng góp bao nhiêu.
Một số nhà phân tích kinh tế của chính quyền Bush đưa ra ý kiến sử dụng nguồn dầu lửa dồi dào của Iraq để chi trả cho tái thiết đất nước này, nhưng với lá cờ "chính nghĩa" mà Mỹ đang tự khoác lên mình thì Nhà Trắng đã phải gạt bỏ khả năng này để khỏi mang tiếng là nước đi "xâm lược".
Kinh tế trong nước - lại là vấn đề "tiền"
Tuy nhiên, những phỏng đoán trên lại không nhắc tới những tổn hại mà nước Mỹ đang phải đối mặt hiện tại khi giá dầu lửa tăng cao và nền kinh tế đang bị suy thoái nghiêm trọng. William D. Nordhaus, Giáo sư đại học Yale và cũng là một người kiên quyết phản đối chiến tranh, cho biết, trong trường hợp xấu nhất,nước Mỹ sẽ phải "lột da" đến 1.200 tỷ USD cho cả chi phí chiến tranh, chi phí hậu chiến và cả việc vực dậy nền kinh tế nội địa vốn đang suy thoái nghiêm trọng.
Con số khủng khiếp này vẫn chưa dừng lại khi Nordhaus còn đưa ra kết luận cuối cùng là 1.920 USD trong 10 năm tới (vẫn trong trường hợp xấu nhất). Và mức độ "xấu" này còn phụ thuộc vào độ dài của cuộc chiến mà Mỹ sắp "lún" vào.
(Phương Thanh - Theo CNN) |