|
Ông Trần Hùng, Giám đốc Vinapco. |
Mới đây, Thủ tướng đã đồng ý để Bộ Thương mại giao cho Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco) chỉ được nhập khẩu nhiên liệu máy bay, không được phép nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu khác vì không thực hiện đúng nhiệm vụ nhập khẩu được giao. Ông Trần Minh, Giám đốc Vinapco đã có trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.
- Ông có cảm giác gì khi nhận được tin Công ty bị cắt chỉ tiêu nhập khẩu tới 70% các mặt hàng xăng dầu, trừ nhiên liệu máy bay?
- Thoạt đầu thì tôi thấy ngạc nhiên, bây giờ thì tôi không bất ngờ nữa.
- Chắc ông đã hiểu nguyên nhân của sự kiện đó?
- Đúng thế. Chúng tôi đã tìm ra nguyên nhân. Đó là sự nhầm lẫn của công tác thống kê.
- Thật khó mà tin được rằng, một quyết định lớn như thể lại có thể nhầm lẫn về thống kê. Ông có thể cho biết một ví dụ về sự nhầm lẫn này?
- Đó là chuyến tàu 30.000 tấn diezel, trong đó có 18.603 tấn thuộc chỉ tiêu tạm nhập năm 2003 vào cảng Vũng Tàu ngày 20/12/2002.
- Nhưng để có quyết định trên của Bộ Thương mại, chắc là Công ty đã có vi phạm trong tiến độ nhập khẩu?
- Năm 2002, Vinapco đã nhập khẩu gần 600.000 tấn xăng dầu các loại, trong đó nhiên liệu máy bay chiếm trên 35%, đạt 100% chỉ tiêu Bộ Thương mại giao. Quý I/2003, Công ty chúng tôi đã nhập khẩu 41% chỉ tiêu tạm nhập năm 2003 của Bộ Thương mại, trong đó bao gồm lượng nhập gối đầu cuối tháng 12/2002, đã nhập tháng 1, tháng 2 và đã mở L/C tháng 3/2003 cho tất cả các mặt hàng xăng dầu.
- Hay là Công ty ông cũng có hiện tượng găm hàng chờ tăng giá, tạo nên ''cơn sốt'' xăng dầu hồi trung tuần tháng 2 vừa qua?
- Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa thấy có một cửa hàng hoặc đại lý nào của Vinapco ở 35 tỉnh, thành phố bị tố giác hoặc bị phát hiện có tình trạng găm hàng, gây khan hiếm hàng giả tạo để trục lợi. Có 2 cửa hàng của chúng tôi ở Hà Nội bị kiểm tra nhưng không có sai phạm gì.
- Vậy thì ông có kiến nghị gì với Bộ Thương mại?
- Một là, Bộ Thương mại nên làm rõ càng sớm càng tốt những số liệu mà chúng tôi đã báo cáo để DN đỡ bị thiệt hại về vật chất, ổn định việc làm cho hàng trăm lao động đang có nguy cơ mất việc.
Hai là, Bộ Thương mại nên giao chỉ tiêu tạm thời hàng năm sát với thực tế DN đã thực hiện năm trước. Có những mặt hàng lượng giao quá nhỏ, chia ra nhiều tháng để nhập thì không được, nhập một lần thì hết chỉ tiêu.
Ba là, Bộ Thương mại nên giao chỉ tiêu theo khả năng cụ thể của từng DN, nhất là những DN kinh doanh không thua lỗ hoặc lỗ ít để Nhà nước đỡ gánh nặng bù lỗ.
(Theo TBKTVN) |