Hôm nay, Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp
09:09' 24/03/2003 (GMT+7)
Trọng tâm của cuộc gặp gỡ năm nay là nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Hôm nay (24/3), Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ có cuộc gặp các doanh nghiệp (DN), với chủ đề chính là tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam cho nền kinh tế Việt Nam. Ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hiện là trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng đã trả lời phỏng vấn về những nội dung liên quan đến cuộc gặp này.

- Thưa ông, chương trình cuộc gặp năm nay có gì khác?

- Về nội dung, cuộc gặp có nhiều điều mới. Những nội dung cụ thể mà DN "kêu" sẽ giảm đi rất nhiều, chỉ còn một số vụ việc cụ thể mang tính điển hình. Và những vụ việc đó cũng đã được xử lý trước, để đến cuộc gặp này có thể công bố chính thức cách xử lý của Thủ tướng và Chính phủ. Điểm mới quan trọng là một dự thảo văn bản của Thủ tướng đã được soạn thảo trước và gửi đến các DN lấy ý kiến đóng góp.

Văn bản đó sẽ đề cập tới nội dung cải thiện môi trường kinh doanh, trách nhiệm của bản thân từng DN. Thủ tướng cũng sẽ có một bài phát biểu quan trọng, trong đó nhắc lại tư tưởng của Bác Hồ nhấn mạnh việc DN làm giàu cho đất nước. Cũng từ tư tưởng đó, vai trò của DN trong thời kỳ mới sẽ là vai trò nặng nề của lực lượng xung kích. Từ đó sẽ đề cập cụ thể đến trách nhiệm của DN, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong thời kỳ mới. Trách nhiệm chung của cả DN và các cơ quan nhà nước, tựu trung lại, sẽ là trách nhiệm phải "chấn hưng Việt Nam", xây dựng một Việt Nam có tiềm lực kinh tế tốt, đủ sức tồn tại và vươn lại.

- Thưa ông, vì sao chọn chủ đề "nâng cao năng lực cạnh tranh"?

- Vấn đề năng lực cạnh tranh được nêu ra tại cuộc gặp lần này là bởi năm 2003 cũng là năm đầu tiên Việt Nam chính thức bước vào cuộc cạnh tranh (theo đúng nghĩa của nó) trong tiến trình hội nhập, khi những hàng rào về thuế trong khu vực được từng bước dỡ bỏ theo cam kết AFTA, và chỉ một vài năm nữa là hàng rào thuế với toàn thế giới, một khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Chính từ những vấn đề này, Thủ tướng muốn cuộc gặp với DN và những biện pháp thực hiện sau đó phải trở thành bước ngoặt thực sự, bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, của nền kinh tế.

- Ông có nghĩ rằng năng lực cạnh tranh của DN đang bị thử thách bởi chi phí "đầu vào" đang tăng vì giá điện, xăng dầu, nguyên liệu... tăng?

- Cần phải thấy rằng việc tăng giá đối với mặt hàng này xuất phát từ những biến động của thị trường thế giới. Thật sự là những quyết định điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu của Chính phủ chỉ được đưa ra khi không còn giải pháp nào khác, khi "không thể không làm" được nữa. Và các DN cũng phải thấy rằng xu hướng tăng giá đó là xu hướng chung trên toàn thế giới. "Khó người khó ta, dễ người dễ ta" mà. Theo tôi, không có cách nào hơn là phải tiếp tục giảm những chi phí cần không cần thiết khác mà DN có thể chủ động được, tiết kiệm đến mức tối đa có thể. Các DN trên thế giới cũng chỉ có cách đó mà thôi.

- Theo ông, sự có mặt của nhiều hiệp hội trong cuộc gặp này liệu có mang đến những nội dung mới hơn?

- Tôi nghĩ rằng vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN là rất quan trọng. Họ sẽ là người tập hợp các nguyện vọng của doanh nghiệp, để đề đạt với Thủ tướng và Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ cho DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Họ cũng sẽ là đầu mối "gom" DN Việt Nam thành một khối để đủ sức cạnh tranh với đối thủ trên thị trường thế giới, tìm hiểu và cung cấp cho các DN những thông tin về thị trường, nhu cầu thị trường. Từ nay, vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong việc hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ quan trọng không kém các cơ quan nhà nước. Vấn đề còn lại là làm sao để những hiệp hội đó hoạt động thật hiệu quả, hoạt động vì những yêu cầu, lợi ích của DN chứ không phải trở thành một kiểu "cơ quan hành chính". Đấy cũng là vấn đề mà Thủ tướng sẽ đề cập trong cuộc gặp kéo dài hai ngày tới.
Trong dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, một loạt giải pháp đã được nêu ra để các cơ quan nhà nước và DN cùng thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của DN Việt Nam.

* Các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương: Tiếp tục cải cách hành chính theo hướng một đầu mối, một tổ chức, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân. Tổ chức thường kỳ các cuộc gặp DN để đối thoại bình đẳng, công khai, giải quyết kịp thời các vướng mắc và khiếu nại của DN. Tăng cường làm việc với các hiệp hội, lắng nghe và tôn trọng tiếng nói xác đang của đại diện cộng đồng DN.

* UBND các tỉnh, thành phố: Xây dựng và công bố rõ quy hoạch về phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tạo mặt bằng cho sản xuất kinh doanh. Cho phép các DN thuộc diện di dời theo quy hoạch sử dụng tiền chuyển nhượng sử dụng đất đã được giao trước khi di chuyển để đầu tư xây dựng và đổi mới công nghệ, phục vụ sản xuất. Lựa chọn các sản phẩm có lợi thế, đồng thời hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương để định hướng cho các DN đầu tư sản xuất kinh doanh. Xúc tiến thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và vừa.

* Bộ Tài chính: Nghiên cứu ban hành cơ chế về sử dụng tiền chuyển nhượng sử dụng đất để đầu tư xây dựng và đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp phải di dời theo quy hoạch. Chỉ đạo Tổng cục Hải quan tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục, tăng thêm mặt hàng xuất khẩu miễn kiểm tra, để đến cuối năm 2003 rút ngắn thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hải quan xuống ngang bằng với các nước trong khu vực. Phối hợp với các bộ và địa phương rà soát lại các loại phí, trong năm 2003 điều chỉnh giảm phí cảng biển, sân bay, phí kiểm dịch động vật, thực vật... để cuối năm 2004 xuống bằng mức của các nước trong khu vực. Nghiên cứu đề xuất việc điều chỉnh hợp lý các loại thuế như giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, bỏ chế độ thu chênh lệch giá đối với nguyên liệu đầu vào mà trong nước chưa sản xuất được, điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp, cải tiến công tác thu và hoàn thuế, công tác hải quan theo thông lệ quốc tế. Nghiên cứu trình Chính phủ cơ chế hình thành nguồn kinh phí phát triển công nghệ, kiểu dáng, mẫu mã ứng dụng trực tiếp vào sản xuất công nghiệp.

* Bộ Thương mại: Tăng cường cải tiến công tác thông tin thị trường, dự báo tình hình để DN chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh. Nghiên cứu khả năng mở một số trung tâm xúc tiến thương mại tại một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu...

* Bộ Công nghiệp: Trong quý II/2003 trình Chính phủ đề án giảm tỷ lệ tổn thất điện năng. Tiếp tục nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách đầu tư sản xuất công nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế trong quá trình hội nhập.






































 

 

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Hàng chục người bị bắt sau vụ ám sát Thủ tướng Serbia
Ngày 24, 25/3, Thủ tướng đối thoại với DN
CÁC TIN KHÁC:
Chầu chực chờ... đăng ký kinh doanh ở TP.HCM (24/03/2003)
Sẽ có thuế hạn ngạch, thuế thời vụ trong nông nghiệp (24/03/2003)
ADB tài trợ 700.000 USD cho điện lực Việt Nam (23/03/2003)
16 bệnh nhân viêm phổi cấp chờ xuất viện (22/03/2003)
Ngày "ăn đúp" của kinh tế Mỹ (22/03/2003)
Thị trường nhà đất TP.HCM trồi sụt theo giá vàng (22/03/2003)
Sân chơi của các DN xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam (22/03/2003)
Tôm sinh thái: Cung không đủ cầu (22/03/2003)
Vàng giảm, USD tăng (22/03/2003)
Các kho chứa đang đầy ắp xăng dầu (22/03/2003)
"Bán biểu tượng SEA Games để tuyên truyền hơn là kinh doanh" (22/03/2003)
Nhầm lẫn do... thống kê? (21/03/2003)
Ngành quảng cáo - được bảo hộ hay bị trói chân? (21/03/2003)
UNDP giúp Việt Nam 2,55 triệu USD thúc đẩy thương mại dịch (21/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang