|
Công sức cả vụ của nông dân sắp thành công cốc. |
Chưa bao giờ mía đường ĐBSCL khủng hoảng vì thừa như năm nay. Mía được mùa, nông dân chưa kịp mừng đã phải bán tống bán tháo với bất cứ giá nào...
Từ một tuần này, 90% hộ trồng mía ở huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) như ngồi trên lửa. Cánh đồng mía mênh mông gần 7.000ha mía mới thu hoạch được non nửa mà giá mía vẫn tiếp tục xuống dốc. Nước mặn đang "lăm le" tràn vào các rẫy mía. Cây mía sắp biến thành củi...
Chỉ cách đây một năm, các nhà máy trong vùng không đủ nguyên liệu để hoạt động, cây mía lên ngôi. Lúc đỉnh điểm, thương lái sẵn sàng mua 380 đồng/kg mía, giúp nông dân thu lãi tới 200%. Nhìn thấy mức lợi nhuận lý tưởng đó, hiển nhiên nông dân đổ xô đi cuốc rẫy trồng mía. Nhà máy ồ ạt đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu để chủ động sản xuất. Hai bên không ''gặp nhau'', rút cục đẩy cây mía từ đầu cực này sang đầu cực khác. Vụ 2002-2003, diện tích mía Cù Lao Dung tăng thêm gần 1.000ha. Mía thừa ế, người trồng lâm vào cảnh điêu đứng.
Ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Nhà máy Đường Sóc Trăng cho biết: ''Đến nay, nhà máy mới mua được 40% diện tích bao tiêu. Mỗi ngày xưởng hoạt động hết công suất cũng chỉ nhập xưởng được 1.500 tấn mía''. Các xưởng nấu mía thủ công, bình thường vẫn bao tiêu 30% sản lượng, nhưng trước nguy cơ thua lỗ cao, không mấy nơi dám đốt lò. Thương lái chỉ thu mua với giá 130-140 đồng/kg, nhưng cũng bắt chẹt nông dân đủ điều.
Anh Nguyễn Văn Thời (ấp Đại Ân I, tỉnh Sóc Trăng), sau gần hai tuần chạy đôn chạy đáo, hết mướn ghe lại thuê đốn mía, vất vả lắm mới bán được 6 công (1 công=10ha) với giá 1,3 triệu đồng/công. Anh Thời trừ hết vốn giống, phân bón, tưới tiêu, công đốn, chi phí vận chuyển thì vừa vặn... hết số tiền trên. Vậy là lao động của gia đình anh cả năm qua thành công cốc.
Mỗi ngày, bên bờ sông Santa có gần 100 ghe chở 3.000 tấn mía xếp hàng chờ len được chân vào cổng Nhà máy Đường Sóc Trăng. Mía chặt lâu ngày không đủ 10 chữ đường (CCS), bị trừ 20 đồng/kg cho mía 9CCS, 50 đồng/kg nếu mía chỉ đạt 8CCS. Đến nay, Sóc Trăng vẫn tồn đọng 1/2 sản lượng mía (tương đương 400.000 tấn). Theo ước tính của ông Trịnh Minh Châu, cho dù các nhà máy chạy hết công suất và kéo dài vụ mía thêm hai tháng thì cả tỉnh vẫn thừa 300.000 tấn mía, gây thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thành Long, Trưởng tiểu vùng ĐBSCL của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết thêm, mỗi ngày các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang tồn 3.000-5.000 tấn mía. Nhu cầu nguyên liệu đã bão hoà, không thể điều tiết giữa các vùng. Ngay cả khi kéo dài vụ ép đường đến cuối tháng 6, số mía dư thừa vẫn lên đến 1.200.000 tấn mía đường.
Giá thành đường được sản xuất tại khu vực ĐBSCL hiện đứng ở mức 5.300 đồng/kg, trong khi thị trường chỉ chấp nhận 4.200 đồng/kg. Mỗi năm, Công ty Mía đường Cần Thơ lỗ 20 tỷ đồng. Nhà máy Đường Sóc Trăng vay 148 tỷ, hoạt động từ năm 1998 mà nay số nợ vẫn còn...140 tỷ. Nông dân khóc dở mếu dở thì các nhà máy cũng ngất ngư.
(Theo Lao Động) |