Thủ tướng cam kết không "bao sân" cho doanh nghiệp
08:02' 25/03/2003 (GMT+7)

Phát biểu tại cuộc gặp đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, ngày hôm qua (24/3), Thủ tướng Phan Văn Khải cam kết thực hiện một nền hành chính gần dân, phục vụ dân, không "bao sân" ôm đồm mọi việc mà tạo môi trường và điều kiện cho doanh nghiệp và nhân dân tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh tế, khắc phục bệnh quan liêu, cửa quyền, can thiệp trực tiếp vào sản xuất kinh doanh...

Thủ tướng đã cam kết xóa bỏ các quy định gây phiền hà cho dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cam kết cải cách thể chế và đổi mới thủ tục hành chính theo hướng công khai, đơn giản và thuận tiện, xóa bỏ các quy định mang tính quan liêu, gây phiền hà cho dân và doanh nghiệp.

''Chính phủ cũng sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện một nền hành chính có kỷ luật chặt chẽ trong bộ máy và có hiệu lực cao trong xã hội, khắc phục tình trạng thiếu trật tự, kỷ cương, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi trái pháp luật; các tổ chức và cá nhân công chức trong bộ máy được xác định nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm rõ ràng, trách nhiệm cá nhân trong công vụ được đề cao''.

Thủ tướng cũng khẳng định cam kết của Chính phủ xây dựng một nền hành chính trong sạch, đẩy lùi và ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, đặc biệt là trong quan hệ với dân; cơ quan và công chức hành chính không lạm dụng chức quyền, mưu lợi trái pháp luật, phi đạo đức.

Theo Thủ tướng, các cơ quan hành chính cần phải khắc phục cách nghĩ, cách làm việc thủ công, xây dựng một nền hành chính khoa học, ứng dụng công nghệ và phương tiện hiện đại trong việc tổ chức bộ máy, bố trí công sở, tổ chức các quan hệ công tác và hệ thống công văn, giấy tờ, và đẩy nhanh tiến trình tin học hóa quản lý nhà nước.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Luật doanh nghiệp theo quan điểm nhất quán bảo đảm quyền của doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề và lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Đối với kinh tế hợp tác, Thủ tướng nói, sẽ giải quyết dứt điểm nợ tồn đọng của các hợp tác xã trong thời gian thực hiện cơ chế cũ để tạo điều kiện cho sự chuyển đổi sang phương thức tổ chức và hoạt động mới, khuyến khích thành lập các hợp tác xã mới, bổ sung chính sách ưu đãi kinh tế hợp tác về sử dụng đất, tín dụng, thuế và hỗ trợ về ứng dụng công nghệ mới. Hợp tác xã thực hiện những việc mà từng người nông dân không làm được hoặc làm không hiệu quả, như hỗ trợ đầu vào và lo đầu ra cho nông dân.

Đối với đầu tư trực tiếp của nước ngoài, Thủ tướng thông báo ngày 19/3/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2003/NĐ-CP bổ sung Nghị định số 24/2000 NĐ-CP với nội dung cơ bản là: mở rộng các lĩnh vực đầu tư kinh doanh trong sản xuất và dịch vụ phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư và áp dụng rộng rãi phương thức đăng ký - cấp phép đối với các dự án đáp ứng những điều kiện nhất định; bỏ quy định tỷ lệ xuất khẩu bắt buộc; quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm trong phân công, phân cấp quản lý theo tinh thần mỗi việc chỉ có một cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của công ty Việt Nam trong giới hạn qui định. Chính phủ đang xem xét để ban hành văn bản về hình thức công ty cổ phần; đẩy nhanh thực hiện lộ trình thu hẹp sự khác biệt trong chính sách giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Chính phủ sẽ trình Quốc hội ban hành Luật cạnh tranh và kiểm soát độc quyền, sửa đổi Luật phá sản, đáp ứng yêu cầu tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật đất đai, tạo khung pháp lý cho thị trường bất động sản (bao gồm cả quyền sử dụng đất) phát triển công khai, lành mạnh, tăng cường hiệu lực quản lý và kiểm soát của Nhà nước, ngăn chặn việc sử dụng lãng phí, chiếm dụng trái pháp luật và các hoạt động đầu cơ gây cơn sốt ảo về đất, xử lý nghiêm những trường hợp đã phát hiện.

Thủ tướng cũng khẳng định cam kết của Chính phủ phát triển thị trường vốn thông qua hệ thống ngân hàng là chủ yếu, đồng thời tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường chứng khoán, và xúc tiến cải cách hệ thống thuế.

Quyết định nhất là ý chí phấn đấu của bản thân doanh nghiệp

Thủ tướng nói: "Để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp, phải phối hợp đồng bộ các nỗ lực của Nhà nước, của các hiệp hội và các doanh nghiệp trong đó yếu tố quyết định nhất là ý chí phấn đấu của bản thân doanh nghiệp."

Thủ tướng Phan Văn Khải cho rằng đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam còn nhỏ bé, có nhiều mặt yếu kém; trong đó, khâu yếu nhất là hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm và của doanh nghiệp còn rất thấp. Ai cũng biết là sản phẩm kém sức cạnh tranh, không tiêu thụ được thì doanh nghiệp bị thua lỗ, thậm chí phá sản. Nhiều doanh nghiệp còn ỷ lại vào hàng rào bảo hộ, một số doanh nghiệp nhà nước còn trông chờ vào cơ chế bao cấp của Nhà nước và dựa vào lợi thế độc quyền kinh doanh, nên ý chí vươn lên nâng cao sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp, trong khi Việt Nam đang phải thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Thủ tướng, doanh nghiệp muốn phát triển phải đặc biệt coi trọng yếu tố con người, với nhận thức con người có trình độ công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến là yếu tố quyết định thành bại trong cuộc cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Nhấn mạnh văn hóa trong kinh doanh, Thủ tướng nói: "Xây dựng truyền thống và uy tín của doanh nghiệp, trước hết bằng việc kinh doanh đúng pháp luật và tôn trọng chữ 'tín'."

Cộng đồng doanh nghiệp hãy tăng cường các quan hệ liên kết

Ngoài ra, Thủ tướng còn gợi ý cộng đồng doanh nghiệp tăng cường các quan hệ liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành, nghề, giữa doanh nghiệp trong các lĩnh vực có tính bổ sung, hỗ trợ cho nhau, có quan hệ với nhau về nguyên vật liệu, linh kiện, cung ứng dịch vụ, khoa học, công nghệ, cùng nhau tạo thêm giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả kinh doanh và bảo đảm hài hòa các lợi ích, cải thiện vị thế cạnh tranh và khả năng đối phó với thách thức của thị trường trong nước và quốc tế.

Theo đánh giá của Thủ tướng, thị trường dịch vụ lâu nay chưa được chú trọng tạo điều kiện phát triển tương ứng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là những loại dịch vụ mang tính chuyên nghiệp cao đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp như dịch vụ tư vấn quản lý, tư vấn pháp lý, dịch vụ khoa học-công nghệ, thông tin, tiếp thị, các loại dịch vụ tài chính. Do đó, Chính phủ chủ trương bổ sung chính sách và biện pháp phát triển các doanh nghiệp dịch vụ trong nước, mặt khác tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào những dịch vụ cần thiết.

Doanh nghiệp hiểu theo nghĩa rộng bao gồm toàn bộ các đơn vị kinh tế gắn với thị trường. Trong đó, phải kể đến 15 vạn hợp tác xã, 24 vạn tổ hợp tác, hơn 2 triệu hộ kinh doanh cá thể trong công nghiệp và dịch vụ, 13 vạn hộ làm kinh tế trang trại, khoảng 10 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp (không kể các hộ sản xuất tự cấp tự túc).

Qua 3 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp đã có 6 vạn doanh nghiệp mới thành lập, đưa tổng số doanh nghiệp trong cả nước lên 9 vạn đơn vị. Trong đó, trên 5 nghìn doanh nghiệp nhà nước, trên 8 vạn doanh nghiệp dân doanh, hơn 3 nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng khẳng định, tuy số lượng doanh nghiệp có bước phát triển mạnh trong mấy năm qua, nhưng tính theo số dân thì bình quân gần 1.000 người mới có một doanh nghiệp, chỉ bằng 1/6 so với tỉnh Quảng Đông Trung Quốc, bằng 1/10, 1/20 các nước kinh tế phát triển. Các con số đó cho thấy Việt Nam có nhu cầu rất lớn và còn rất nhiều tiềm năng phát triển đội ngũ doanh nghiệp.

Thủ tướng nói tiếp, bên cạnh một số doanh nghiệp nhà nước có vai trò trụ cột, đã có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh năng động và một số doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước đầu tư quy mô lớn, làm đầu tàu lôi kéo các doanh nghiệp khác, các tổ chức kinh tế hợp tác và hộ gia đình cùng phát triển, tạo nên chuyển biến đáng kể về kinh tế và góp phần giải quyết vấn đề xã hội bức xúc ở một số địa phương.

(Theo TTXVN)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sẽ ban hành thêm 7 chuẩn mực kế toán (24/03/2003)
Tổng Công ty Hàng không trình kế hoạch dùng sân bay Cam Ranh (24/03/2003)
Chi phí lao động không còn là lợi thế của Việt Nam (24/03/2003)
Cơ hội xúc tiến thương mại tại Trung Quốc (24/03/2003)
Vàng bạc Đá quý muốn về ngân hàng thương mại (24/03/2003)
Giá sợi và hạt nhựa tiếp tục tăng mạnh (24/03/2003)
Xây dựng Nhà máy Xi măng Thái Nguyên (24/03/2003)
Saigon Petro kêu cứu (24/03/2003)
Lễ hội Quảng Nam 2003 - Hành trình di sản đã sẵn sàng (24/03/2003)
Giá vàng tiếp tục giảm mạnh (24/03/2003)
Sân bay Điện Biên Phủ sẽ có nhà ga mới (24/03/2003)
ĐBSCL: Mía sắp thành củi (24/03/2003)
Hôm nay, Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp (24/03/2003)
Chầu chực chờ... đăng ký kinh doanh ở TP.HCM (24/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang