Mua bảo hiểm cho... con tôm
08:15' 25/03/2003 (GMT+7)
Người nuôi tôm sẽ yên tâm hơn khi mua bảo hiểm cho tôm.

Anh Nguyễn Văn Nghĩa, xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), tính toán, vốn lưu động cho một vụ tôm là hàng trăm triệu đồng/ha. Nếu trúng vụ, không có rủi ro gì, số tiền mua bảo hiểm hơn 3 triệu đồng cũng không phải là lớn đối với nguồn vốn đầu tư. Còn chẳng may gặp rủi ro, tôm chết, anh sẽ được bảo hiểm, khi đó, vẫn còn vốn để vụ sau tiếp tục thả nuôi.

Anh Nghĩa cho biết, một người nuôi tôm mà ba vụ liên tiếp bị chết coi như phá sản, nợ nần ngập đầu. Nghề nuôi tôm sú cái gì cũng "siêu" cả. Lợi nhuận cũng "siêu" mà lỗ... cũng "siêu". May mắn hơn một vài người dân khác ở địa phương, trước khi thả tôm xuống đầm, cuối năm 2002, anh Nghĩa và 24 nông dân nuôi tôm giỏi được sang Cần Thơ học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật; đồng thời, nghe Công ty Groupama tư vấn về bảo hiểm... tôm - loại bảo hiểm hoàn toàn mới lạ ở Việt Nam hiện nay. Sau chuyến đi này, anh Nghĩa quyết định mua bảo hiểm cho 1ha tôm của mình ở ấp Đôi Ma, giá 3,08 triệu đồng/vụ.

 

Gặp rủi ro, tôm gia đình anh nuôi chết hàng loạt. Ngay khi nhận được thông tin này, kiểm định viên của công ty đã xuống giám định. Một tháng sau, anh nhận được 29 triệu đồng tiền đền bù từ Groupama. Số tiền này được đầu tư để nuôi vụ tôm mới. Anh Nghĩa cũng quyết định mua bảo hiểm cho tất cả 3ha đầm tôm chuẩn bị thả. Cùng trường hợp anh Nghĩa là anh Võ Văn Kỳ, cũng có đầm ở ấp Đôi Ma.

1. Người nuôi được bảo hiểm khi tôm nuôi trong ao hoặc lồng chết/thiệt hại do:

- Ô nhiễm bất ngờ.

- Bệnh.

- Tai nạn.

- Thiếu nước bất ngờ.

- Sét đánh.

- Vỡ đập hoặc đê.

- Vỡ thiết bị để cố định lồng.

Bảo hiểm có hiệu lực khi người mua tuân thủ các biện pháp phòng ngừa do Groupama chỉ định.

2. Không bảo hiểm trong trường hợp tôm chết do:

- Ao nuôi không tốt.

- Lồng nuôi không tốt.

- Thiếu nước không do tính bất ngờ và được biết trước/thiếu nước do nước cạn định kỳ.

- Lũ lụt.

- Tự gây ô nhiễm.

- Thu hoạch vận chuyển.

- Bệnh đã được người mua biết trước khi ký hợp đồng.

(Nguồn: Groupama)

 

Tiền Giang là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL có ý thức về mua bảo hiểm cho tôm, mặc dù diện tích mặt nước nuôi tôm tỉnh này chỉ khoảng 1.500ha. Hiện nay toàn tỉnh đã có 35 hộ nuôi tôm mua bảo hiểm. Kỹ sư Nguyễn Thành Minh, chuyên viên Sở Thủy sản Tiền Giang, cho biết, việc mua bảo hiểm cho tôm đem lại lợi ích thiết thực bởi hiện nay, các loại bệnh thường xuyên xảy ra ở tôm chủ yếu do không quản lý được nguồn giống.

 

Điều kiện để tôm được bảo hiểm

 

Groupama - công ty vốn 100% của Pháp - là đơn vị duy nhất hiện bán bảo hiểm cho tôm ở Việt Nam. Thông thường, hợp đồng bảo hiểm tôm được ký trước ngày thả. Điều kiện quan trọng để con tôm được bảo hiểm là con giống phải là giống sạch, đã qua kiểm định PCR, có giấy chứng nhận kèm theo. Bên cạnh đó, nhà phân phối bảo hiểm còn đòi hỏi các yếu tố môi trường phải nằm trong ngưỡng thích hợp, như độ PH, độ kiềm, độ trong, độ mặn...

 

Khi hợp đồng được thực hiện, 15 ngày sau khi thả tôm, kiểm định viên của Groupama sẽ xuống trực tiếp hộ nuôi tôm để kiểm tra con giống. Nếu người mua bảo hiểm không có giấy chứng nhận PCR thì hợp đồng bảo hiểm lập tức bị hủy bỏ, bên bán sẽ hoàn tiền lại cho người mua.

 

Mùa vụ thả tôm cũng được căn cứ theo mùa vụ chính của từng địa phương. Nếu tôm nuôi trái vụ, phí bảo hiểm sẽ tăng lên gấp 4 lần. Khi tôm bị tổn thất, trong vòng 24 tiếng đồng hồ, người mua bảo hiểm phải thông báo cho đơn vị bán bảo hiểm biết. Hiện nay, mức phí bảo hiểm cho tôm được chia làm ba loại: tôm nuôi công nghiệp (3,08 triệu đồng/ha/vụ), tôm nuôi bán công nghiệp (2,2 triệu đồng/ha/vụ), tôm nuôi quảng canh (2 triệu đồng/ha/vụ).

 

Người mua bảo hiểm cho tôm được hưởng quyền lợi khi tôm nhiễm bệnh, bị chết... Trong vòng hai tuần đầu kể từng ngày thả, người nuôi không được đền bù. Đến tuần thứ ba trở đi, mức đền bù tùy theo mô hình nuôi. Mức đền bù thấp nhất là 8 triệu đồng, và cao nhất là 65 triệu đồng, với điều kiện trong quá trình đầu tư vật tư nuôi tôm, các khoản chi phí phải có chứng từ hợp lệ.

 

(Theo NLĐ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thủ tướng cam kết không "bao sân" cho doanh nghiệp (25/03/2003)
Sẽ ban hành thêm 7 chuẩn mực kế toán (24/03/2003)
Tổng Công ty Hàng không trình kế hoạch dùng sân bay Cam Ranh (24/03/2003)
Chi phí lao động không còn là lợi thế của Việt Nam (24/03/2003)
Cơ hội xúc tiến thương mại tại Trung Quốc (24/03/2003)
Vàng bạc Đá quý muốn về ngân hàng thương mại (24/03/2003)
Giá sợi và hạt nhựa tiếp tục tăng mạnh (24/03/2003)
Xây dựng Nhà máy Xi măng Thái Nguyên (24/03/2003)
Saigon Petro kêu cứu (24/03/2003)
Lễ hội Quảng Nam 2003 - Hành trình di sản đã sẵn sàng (24/03/2003)
Giá vàng tiếp tục giảm mạnh (24/03/2003)
Sân bay Điện Biên Phủ sẽ có nhà ga mới (24/03/2003)
ĐBSCL: Mía sắp thành củi (24/03/2003)
Hôm nay, Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp (24/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang