Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam:
Đang nhìn cơ hội trôi qua
07:41' 28/03/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - ''Năng lực kinh doanh của ngành công nghiệp phần mềm (CNPM) còn rất nhỏ bé, tăng nhưng không như mong muốn. Các doanh nghiệp phần mềm mà kinh doanh phần cứng là chủ yếu. Phần lớn doanh nghiệp mới thành lập, thiếu kinh nghiệm quản lý, vốn ít, tổ chức bộ máy và ngay cả địa điểm đều không ổn định. Tính chưa chuyên nghiệp thể hiện rõ trong đội ngũ lập trình viên và cán bộ quản lý''

Ý kiến trên của TS. Trương Đình Chiến, người phụ trách một dự án nghiên cứu về thực trạng ngành CNPM Việt Nam, đã được nhiều chuyên gia trong ngành tán đồng.

Một nghiên cứu của Dự án NEU - JICA được công bố trong Hội thảo Phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam hôm qua (27/3) tại Hà Nội đã đưa ra rất nhiều bức xúc và vấn đề của các DN phần mềm non trẻ hiện nay tại Việt Nam.

Nhiều DN phần mềm ngơ ngác

Theo phân tích của TS Trương Đình Chiến, các DN phần mềm hiện yếu bởi nhân lực cho CNPM vẫn thiếu về số lượng và thấp về chất lượng. Đặc biệt thiếu chuyên viên quản lý dự án, lập trình viên cao cấp; Các DN chưa có kỹ năng quản lý doanh nghiệp theo định hướng thị trường, ít có định hướng kinh doanh và đầu tư lâu dài trong ngành CNPM và càng ít công ty có định hướng xuất khẩu; Công nghệ làm phần mềm còn lạc hậu, chưa sản xuất theo quy trình công nghiệp. Chỉ có khả năng cung cấp những phần mềm đơn giản. Khoảng 2/3 số lượng sản phẩm được sản xuất theo hợp đồng đặt hàng. Số sản phẩm phần mềm đóng gói có bản quyền còn ít; kỹ năng marketing phần mềm còn yếu kém, một số doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm rồi mới tính đến việc bán cho ai.

Một trong những kết luận của nghiên cứu là ''còn nhiều rào cản hạn chế việc biến thị trường tiềm năng thành thị trường hiện thực''.

Vì sao thị trường tăng trưởng chậm?

Thạc sĩ Vũ Huy Thông - một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: ''Thị trường này tăng trưởng chậm, thiếu ổn định. Khách hàng trong nước thiếu hiểu biết đầy đủ về phần mềm, về giá trị của sản phẩm, công sức của các doanh nghiệp làm phần mềm. Nhận thức về yêu cầu ứng dụng tin học của nhiều khách hàng lớn còn hạn chế (đặc biệt các cấp lãnh đạo) cũng đã hạn chế nhu cầu mua sắm của họ. Nhiều khách hàng có những yêu cầu đặc thù không theo chuẩn mực của thế giới, thời gian thực hiện gấp, điều kiện không nhất quán, yêu cầu hay thay đổi, giá thấp và không đảm bảo thời gian thanh toán như cam kết. Điều này đã khiến các nhà đầu tư vào CNPM sợ ''. 

Tính đến cuối năm 2002, toàn ngành CNPMVN có khoảng hơn 300 doanh nghiệp chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ với tốc độ tăng trưởng khoảng 20-30% năm. Số nhân viên trung bình của mỗi doanh nghiệp là 20-30 người. Số chuyên viên phần mềm trong các DNPM ước tính chỉ khoảng 6.000-6.500 người. Khoảng 50% số doanh nghiệp đang hoạt động mới thành lập từ năm 2000-2002.

Doanh số riêng phần mềm của toàn ngành mặc dù có tăng hàng năm vẫn rất nhỏ bé khoảng 28 triệu USD (so với 2001: 21 triệu USD), xuất khẩu chỉ khoảng 5-6 triệu USD (ước tính). Năng suất làm phần mềm năm 2002 khoảng 8.450 USD/người/năm (tăng khoảng 30% so năm 2000).

Thứ nữa, thị trường phần mềm còn mang nặng tính cát cứ, phân tán. Cát cứ trong ứng dụng và theo ngành, địa phương. Chưa có môi trường cạnh tranh thật sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp cung cấp phần mềm. Tình trạng vi phạm bản quyền nghiêm trọng gây thiệt hại cho các DNPM cản trở sự phát triển ngành và đầu tư nước ngoài. Năm 2000 Việt Nam đứng đầu danh sách 10 nước có tỷ lệ đánh cắp bản quyền phần mềm lớn nhất thế giới - 97% theo số liệu do tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG công bố (tỷ lệ này năm 2002 là 94%).

Phần mềm trong nước được đánh giá cao về mức độ tương thích nhưng dịch vụ đi kèm lại quá sơ sài, chất lượng thấp. Quá trình cung ứng sản phẩm phần mềm của nhà sản xuất cho khách hàng cũng chưa tốt. Nhìn chung, mức độ đáp ứng của nhà sản xuất chỉ đạt ở mức trung bình và dưới trung bình ở hầu hết các tiêu thức đánh giá. Những dịch vụ được đánh giá thấp là dịch vụ sau bán, hỗ trợ sửa chữa nâng cấp...

Nhìn cơ hội trôi qua trước mắt

Theo nhóm nghiên cứu này, thị trường gia công phần mềm quốc tế vẫn đang phát triển và vẫn thiếu nguồn cung cấp khả năng gia công. Nơi gia công phần mềm chủ yếu cho thế giới như Ấn Độ đang có chi phí tăng lên. Các công ty đa quốc gia chắc chắn muốn tìm nguồn cung cấp thay thế và thị trường thế giới vẫn đang mở ra cơ hội trước các doanh nghiệp PMVN.

Nhưng các DN phần mềm Việt Nam thì sao? - Ông Vũ Minh Đức, giảng viên và chuyên viên của JICA khẳng định, ''họ rất thiếu thông tin về thị trường phần mềm quốc tế, thiếu thông tin về khách hàng chủ yếu và những nhu cầu cụ thể của họ; chưa có năng lực thực hiện các dự án phần mềm lớn do năng lực sản xuất phân tán''.  Khả năng quản trị dự án rất hạn chế; Chất lượng sản phẩm gia công của ngành còn thấp, không đáp ứng yêu cầu của khách hàng (giá thấp không thay thế được chất lượng kém); Chưa có hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; Thiếu kinh nghiệm để khách hàng xem xét đánh giá, lựa chọn. Nhiều công ty không đáp ứng được yêu cầu khắt khe về thời gian thực hiện hợp đồng. Không thể tiếp cận được khách hàng sử dụng cuối cùng ở nước ngoài vì nguồn lực hạn chế không thể đầu tư cho văn phòng đại diện ở nước ngoài.

Giá nhân công thấp vẫn được coi là lợi thế của Việt Nam nhưng năng suất lao động cũng thấp hơn một số nước (khoảng 8.000 USD/người/năm, bằng khoảng 1/2 năng suất của Ấn Độ) làm giảm khả năng cạnh tranh về giá.

Một trong những điểm yếu quan trọng của ngành CNPM Việt Nam là thiếu các quan hệ liên kết hiệu quả trong ngành và trên thị trường nên dẫn đến năng lực đã nhỏ bé ai không phát huy được sức mạnh do đầu tư trùng lắp và cạnh tranh nội bộ. Chỉ riêng phần mềm kế toán doanh nghiệp mà có tới 50-60 công ty cùng cung cấp.

Xây dựng các khu CNPM tập trung hiện là một định hướng thúc đẩy phát triển các quan hệ hợp tác và liên kết trong ngành CNPM. Các khu CNPM tập trung đã và có đóng góp nhất định cho sự phát triển ngành. Tuy nhiên, sự phát triển của các khu này cũng đang chứa đựng nhiều bất cập. Nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung phát triển các khu CNPM tập trung có quy mô lớn với các yếu tố điều kiện kinh doanh thuận lợi để tạo điều kiện cho các DNPM hợp tác phát triển.

  • Hồng Phúc
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Khái niệm ''thương hiệu'' có thể được hiểu rộng hơn... (27/03/2003)
Xuất khẩu chưa chịu ảnh hưởng của chiến tranh (27/03/2003)
Hoàn thành việc nâng cấp trạm bơm Bạch Đằng (27/03/2003)
Đề nghị cho 24 DN xe máy hoạt động trở lại (27/03/2003)
3 DN kêu giá tính thuế hạt nhựa cao (27/03/2003)
Lòng tin của người tiêu dùng Mỹ giảm mạnh (27/03/2003)
Con người biết sáng tạo từ khi nào? (27/03/2003)
Sẽ áp dụng thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất (27/03/2003)
Khánh Hòa khai mạc Festival Biển và Tuần lễ Du lịch (27/03/2003)
Khởi công trạm phát điện sức gió đầu tiên (26/03/2003)
''Chúng tôi tin tưởng môi trường làm việc tại Việt Nam'' (26/03/2003)
Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng của Malaysia (26/03/2003)
Việt Nam sẽ có trang trại sản xuất nấm? (26/03/2003)
Lo ngại chiến tranh, thị trường phố Wall xuống dốc (26/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang