(VietNamNet) - ''Ông K.Inchinobe - Tổng giám đốc Công ty Liên doanh kính nổi Việt Nam ( VFG) đã cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí sai sự thật về việc tồn kho và đập kính tại VFG với mục đích nhằm thực hiện ý đồ khống chế và làm chủ thị trường kính Việt Nam...''.
|
Kính nổi ngày càng được ưa dùng trong xây dựng và trang trí nội thất nhờ tính chất an toàn. |
Trước việc các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam tuần qua đã đăng tải những thông tin xung quanh việc Liên doanh kính nổi VFG dừng sản xuất trong nửa đầu tháng 2/2003 và cảnh báo tình trạng cung vượt cầu của ngành công nghiệp kính trong nước, Tổng công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng (VIGLACERA) đang chuẩn bị kiến nghị lên các cơ quan chức năng để tố cáo hành động của VFG. Tiết lộ với VietNamNet, một quan chức của VIGLACERA cho biết như vậy.
Theo các quan chức của VIGLACERA, việc đập kính đầu tháng 2/2003 tại VFG đã giải thích là không hợp lý bởi các lý do:
Thời gian VFG đập kính (từ 28/1 đến 13/2/2003) trùng vào dịp Tết Quí Mùi, là thời điểm mà thị trường VLXD nói chung và thị trường kính xây dựng nói riêng gần như ''đóng băng'' hoàn toàn do người tiêu dùng và các đại lý phân phối kính đều nghỉ Tết. Như vậy, đương nhiên tồn kho của VFG phải tăng lên (vì sản xuất kính có đặc điểm là lò nấu phải hoạt động liên tục) nhưng mức tăng tồn kho của VFG cũng chỉ cao hơn bình thường khoảng 1,5 triệu m2.
Tổng công ty này cho biết, họ đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở VFG tăng lượng xuất khẩu và hiện tại VIGLACERA sẵn sàng hỗ trợ VFG với nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu với số lượng trên 500 container 20" (khoảng 2 triệu m2) trong một quý nhằm nhanh chóng giảm lượng tồn kho vào lúc thị trường trong nước giảm sức tiêu thụ. Tuy nhiên, phía đối tác Nhật Bản trong liên doanh (Nippon Sheet Glass Co., Ltd. và Tomen Corporation) đã không ủng hộ quan điểm trên của Tổng công ty và kết quả là VFG đã tự quyết định áp dụng biện pháp tạm dừng sản xuất bằng cách đập kính thành phẩm.
Tổng công ty thuỷ tinh và Gốm xây dựng (VIGLACERA) có 2 công ty trực thuộc và 1 liên doanh gồm: Công ty Kính nổi Viglacera (VIFG) tại tỉnh Bình Dương. Công suất 19 triệu m2/năm. Nhà máy mới đưa vào hoại động đầu năm 2003). Thứ 2 là Công ty Liên doanh kính nổi Việt Nam VFG (VIGLACERA gộp 30% vốn điều lệ) tại Bắc Ninh, công suất 28 triệu m2/năm. |
Thứ hai, về mặt công nghệ sản xuất: Tất cả các nhà sản xuất kính trên thế giới đều vận hành dây chuyền sản xuất kính nổi liên tục, còn tiêu thụ lại tăng giảm theo từng thời điểm. Thông thường, nhu cầu thị trường thường giảm trong các dịp nghỉ lễ, tết hoặc mùa giáng sinh. Trong những trường hợp như vậy, có thể điều chỉnh sự hoạt động của dây chuyền kính nổi bằng 1 trong 3 cách: Dừng sản xuất và bảo vệ lò, dừng kéo kính và đốt dầu để duy trì nhiệt độ bảo vệ lò; Dừng sản xuất và duy trì tối thiểu sự ổn định của dây chuyền tức là vẫn kéo kính nhưng giảm sản lượng xuống còn 30-35% kính kéo ra được đập bỏ và đưa vụn kính quay vào lò để nấu lại; Giảm công suất và duy trì sản xuất đều đặn, duy trì 60-70% công suất và sản xuất đều đặn vẫn thu được kính thành phẩm chất lượng tốt có thể bán trong nước hoặc xuất khẩu.
Trong 3 phương án trên thì phương án 3 là tối ưu nhất vì nó vừa giảm được tiêu hao năng lượng cho sản xuất, vừa thu hồi được kính thành phẩm mà có thể tăng nhanh công suất khi thi trường trở lại ổn định.
Tuy nhiên, VFG đã không chọn một trong các phương án trên, đồng thời nhất quyết không chịu tăng cường xuất khẩu để giảm lượng tồn kho theo các đơn đặt hàng của VIGLACERA và VFG con chủ động tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng: VFG bị tồn kho kính quá lớn phải loại bỏ bớt thành phẩm do cung đang vượt cầu như nội dung một số phóng sự và bài báo đã nêu.
''Thực chất của vấn đề là VFG muốn hạn chế nguồn cung trên thị trường để giữ giá bán cao và thu siêu lợi nhuận từ động cơ sâu xa của VFG là cản trở VIGLACERA tự đầu tư Nhà máy kính nổi tại Đà Nẵng với vốn đầu tư thấp, huy động vốn bằng nội lực và tăng khả năng chế tạo thiết bị trong nước. Hậu thuẫn cho liên doanh VFG trong việc này chính là đối tác Nhật Bản trong liên doanh VFG - Công ty kính Nippon (NSG) - nhằm thực hiện ý đồ khống chế và làm chủ thị trường kính Việt Nam'', một quan chức VIGLACERA nói.
Nhằm thực hiện ý đồ trên, Nippon đã nhiều lần đề nghị và tiếp xúc với Tổng công ty VIGLACERA và các cơ quan quản lý nhà nước như Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề nghị ''hợp tác đa bên trên phạm vi toàn quốc'' mà trong đó Nippon sẽ được ưu tiên đầu tư trước, chiếm tỷ lệ góp vốn áp đảo và độc quyền chuyển giao công nghệ ở các dự án kính nổi trọng điểm.
Thứ ba, Tổng công suất các nhà máy kính xây dựng cả nước hiện nay là 64,2 triệu m2, cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu thị trường kính xây dựng cho năm 2003. Ngoài ra, còn một nguồn cung đáng kể khác là kính nhập khẩu từ Trung Quốc dưới hình thức nguyên liệu cho gia công kính nhưng với chất lượng kém hơn nhiều so với kính nổi sản xuất trong nước. VIGLACERA dự đoán, từ năm 2004 trở đi tại thị trường Việt Nam sẽ thiếu kính cho nhu dầu xây dựng. Đến năm 2005 nhu cầu sử dụng kính xây dựng tại Việt Nam sẽ là khoảng 90 triệu m2/năm so với mức 0,55m2/người/năm hiện nay.
Một công văn của VIGLACERA nói rõ: '' Biết rõ được điều này, nhưng do đã đề nghị và được Bộ Kế hoạch Đầu tư cho phép hoãn triển khai dự án liên doanh kính nổi của mình tại miền Nam đến năm 2004, trong các năm 2001- 2002 Công ty Kính Nippon đã chuyển sang ráo riết thực hiện phương án ''hợp tác đa bên trên phạm vi toàn quốc'' như đã nêu trên. Một mặt, Nippon đề nghị Tổng công ty VIGLACERA tiếp tục hợp tác liên doanh ở các dự án lệnh nổi tiếp sau VFG với tỷ lệ góp vốn của họ luôn chiếm 70% và giữ quyền kiểm soát công nghệ sản xuất và thị trường tiêu thụ. Mặt khác, khi tiếp cận với các cơ quan có thẩm quyền. Nippon đưa ra một bức tranh ảm đạm về dư thừa công suất của ngành kính Việt Nam vào năm 2005 nhằm cản trở Tổng công ty VIGLACERA tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực sản xuất kính nổi bằng kinh nghiệm, trình độ quán lý và nội lực của mình. Ngoài ra, Nippon còn đưa ra một điều kiện hết sức vô lý và ngang ngược là: nếu VIGLACERA không tiếp tục liên doanh với Nippoll thì yêu cầu Chính phủ Việt Nam can thiệp để ngay lập tức tách VIGLACERA ra khỏi liên doanh VFG''.
VIGLACERA cho biết, tuy họ một đối tác trong liên doanh VFG nhưng không thể chi phối hoạt động của liên doanh vì phía Nhật chiếm tỷ lệ góp vốn đa số (70%). Cũng chính vì lý do đó, Tổng công ty VIGLACERA đã chủ động xây dựng chiến lược đầu tư phát triển sản xuất kính xây dựng bằng việc đầu tư Nhà máy kính nổi Viglacera tại Bình Dương và hiện VIGLACERA đang cùng với một số doanh nghiệp trong nước đang triển khai đầu tư thêm một nhà máy kính nổi nữa tại Đà Nẵng với công suất 20 triệu m2/năm.
VIGLACERA hiện đã hoàn tất việc lập dự án đầu tư nhà máy kính nổi Ðà Nẵng với tổng vốn đầu tư là 854.307 triệu đồng. Viglacera là cổ đông sáng lập và giữ cổ phần chi phối. Dự kiến trong quý III/2003, nhà máy kính nổi Ðà Nẵng sẽ được khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Liên Chiểu - Tp.Ðà Nẵng với công suất 350 tấn thuỷ tinh/ngày. |
|