|
Các chủ hộ kinh doanh ngồi bó gối trước các kiốt đóng cửa. |
Việc cấm các phương tiện ôtô, xe máy đi vào trục giáp ranh giữa chợ Đồng Xuân - Bắc Qua đang vấp phải sự phản ứng gay gắt của 24 hộ kinh doanh tại khu vực này. Toàn bộ các chủ kiốt đã đóng cửa không kinh doanh từ ngày 26/3 để chờ sự giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.
Sáng 28/3, dãy kiốt của 24 hộ kinh doanh ở chợ Đồng Xuân đóng cửa im lìm, tất cả các chủ hộ đều ngồi bó gối trước cửa hàng của mình. Khu vực này mất hẳn sự náo nhiệt thường ngày. Nguyên nhân tình trạng này là thông báo ngày 26/3 của Công ty cổ phần chợ Đồng Xuân về việc không cho các phương tiện giao thông đi vào trục giáp ranh giữa chợ Đồng Xuân - Bắc Qua. Tuy nhiên, theo phản ánh của những người kinh doanh tại khu vực chợ, họ hoàn toàn bất ngờ trước thông báo trên vì trước đó không có một cuộc họp nào giữa các hộ kinh doanh với cơ quan chủ quản về chủ trương này. Vậy việc cấm các phương tiện giao thông ảnh hưởng như thế nào tới các hộ kinh doanh?
Anh Nguyễn Tiến Phi (kiốt số 42) phàn nàn: ''Kể từ khi Ban quản lý (BQL) chợ để biển cấm các phương tiện vào khu vực này, chợ vắng như chùa Bà Đanh, hầu như không có khách ra vào. Tâm lý chung của khách hàng là cảm thấy không thoải mái khi đi vào khu vực cấm, nhất là những người ở tỉnh lẻ đến (khách hàng chính của chúng tôi). Dù có mở cửa hàng thì chúng tôi cũng chẳng thể buôn bán được gì''.
Chị Nguyễn Thanh Hằng, chủ kiốt số 44 cho biết: ''Chúng tôi phải thuê chỗ ngồi và thuê khu vực kiốt cao hơn rất nhiều so với các sạp hàng nằm trong chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, bằng giá với các kiốt nằm sau Hàng Khoai và Cầu Đông, trong khi các kiốt ở Hàng Khoai và Cầu Đông được kinh doanh ở vị trí thuận lợi cả trong việc buôn bán lẫn vận chuyển hàng hoá. Việc cấm các phương tiện giao thông đi vào khu vực này khiến vị trí kinh doanh của chúng tôi sẽ bất lợi hơn so với ngồi trong chợ''.
Anh Nguyễn Duy Bình, kiốt số 46 băn khoăn: ''Theo ''luật'', chúng tôi không được chuyển hàng trực tiếp mà phải qua đội ngũ bốc vác của chợ. Hiện nay mỗi bao hàng khi chuyển vào kiốt chi phí mất 5.000 đồng, trong khi nếu như thuê lực lượng ở ngoài chỉ mất có 1.000 đồng. Với mức chi phí lớn như vậy, chúng tôi không thể tiếp tục kinh doanh khi BQL chợ không có cách giải quyết hợp tình, hợp lý''.
Còn nhiều bất hợp lý
Sau khi tiếp xúc với đại diện của 24 hộ kinh doanh nói trên, phóng viên đã làm việc với ông Nguyễn Song Tùng, Trưởng phòng Quản lý chợ Đồng Xuân, ông Tùng cho biết: ''Theo thiết kế quy hoạch, trục giáp ranh giữa chợ Đồng Xuân - Bắc Qua là đường nội bộ trong chợ (dành cho người đi bộ), thoát hiểm và phục vụ công tác chữa cháy cứu hộ khi có sự cố. Trước đây, chúng tôi cũng đã đặt biển cấm nhưng vì không làm triệt để nên vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm. Trước tình hình 24 hộ ngừng kinh doanh, BQL chợ đang bàn để tìm giải pháp phù hợp".
Tuy nhiên, theo các hộ kinh doanh, nếu như vì sự an toàn, văn minh của khu chợ tại sao vẫn để tồn tại một số hàng nước ngồi bán hàng ở hai đầu của trục đường, gây cản trở giao thông. Thực tế cho thấy, thắc mắc của những người kinh doanh buôn bán ở đây là hợp lý, bởi 3-4 hàng nước, kinh doanh điện thoại, bán giày, dép trái phép ở hai bên trục đường quả thực đã làm mất mỹ quan khu chợ và gây ách tắc ngay từ lối ra vào. Hơn nữa, việc cấm các phương tiện giao thông vào khu vực chợ sẽ đồng nghĩa với việc tăng thêm lượng xe chở hàng dừng và đỗ ở hai đầu của trục đường vốn thường xuyên bị ách tắc. Vì thế, khu vực mà BQL chợ đang lập lại trật tự này sẽ có nguy cơ gây ách tắc nhiều hơn nếu như không có biện pháp giải quyết hợp lý việc dừng xe ở hai đầu của trục đường này.
(Theo Lao Động) |