Biến gốm Chu Đậu thành ngoại tệ
08:36' 02/04/2003 (GMT+7)
Gốm cổ Chu Đậu từng được xuất đi khắp thế giới.

Chu Đậu là gốm mỹ nghệ cao cấp với đỉnh cao mà nó đạt đến là ''mỏng như giấy, trong như ngọc, kêu như chuông''. Đã tàn lụi vào đầu thế kỷ 17, nay gốm Chu Đậu đang sống dậy từ ý tưởng của Giám đốc Công ty Haprosimex Sài Gòn...

Làng nghề gốm Chu Đậu được vực dậy từ cuối năm 2002, với sự ra đời của Xí nghiệp Gốm Chu Đậu, trực thuộc Công ty Haprosimex Sài Gòn (Hà Nội). ''Định hướng của xí nghiệp là phục hồi toàn bộ mẫu cổ xưa của làng nghề Chu Đậu, đưa những mẫu gốm cổ này ra thị trường'', Giám đốc Xí nghiệp Gốm Chu Đậu Nguyễn Hồng Kiên cho biết.

Đào tạo nhân công là khâu quan trọng hàng đầu trong chiến lược của xí nghiệp này. Lao động được tuyển dụng ngay tại thôn Chu Đậu, từ thợ vuốt bằng tay đến thợ vẽ hoa văn trên gốm đều là những người thợ trẻ măng. Ngoài việc cử người đi học nghề ở các làng gốm trong tỉnh Hải Dương, xí nghiệp còn mời các nghệ nhân gốm, chuyên viên kỹ thuật về nâng cao tay nghề cho thợ ngay tại xưởng.

Theo các nhà sử học, di tích làng gốm Chu Đậu (nay là thôn Chu Đậu, huyện Nam Sách, Hải Dương) được phát hiện năm 1983, niên đại sản xuất được xác định vào cuối thế kỷ 14, phồn thịnh vào thế kỷ 15-16. Những hiện vật gốm cổ còn lưu lạc ở viện bảo tàng các quốc gia trên thế giới và trong các bộ sưu tập quý cho thấy, gốm Chu Đậu từng rất nổi tiếng và được ưu chuộng.

Gốm Chu Đậu nay được tổ chức sản xuất theo những dây chuyền hợp lý với kỹ thuật được phục nguyên của người xưa. Bàn xoay điện thay thế bàn xoay thủ công trong công đoạn vuốt đất tạo dáng gốm. Kỹ thuật vẽ dưới men được phục hồi để hạn chế lượng hóa chất độc hại để lại trên men: hoa văn vẽ lên nền gốm mộc bằng men lam, sau đó phủ lên một lớp men trắng trong, nung ở nhiệt độ 1.200oC, làm nổi lên hoa văn màu lam. Một bộ phận thiết kế tạo mẫu được lập riêng cho gốm Chu Đậu để vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa giữ được hồn cổ. Những chiếc bình gốm tì bà tuy chưa mỏng được bằng bình cổ, nhưng phần nào đã tìm lại được hoa văn và dáng xưa.

Đầu tư phục hồi làng nghề gốm Chu Đâu, ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Công ty Haprosimex Sài Gòn khẳng định rằng không hề phiêu lưu. Ông Thắng còn dự đoán, khoảng 3-4 năm tới, một làng nghề nho nhỏ sẽ mọc lên xung quanh Xí nghiệp Gốm Chu Đậu, trở thành điểm du lịch thu hút khách bốn phương...

Một lô hàng bình tì bà, lư hương, chân đèn đang trên đường đến Hongkong tham dự một hội chợ lớn trong tháng 4 tới. Ông Thắng tâm sự với vẻ đầy hào hứng: ''Chúng tôi quyết tâm biến giá trị văn hóa trên những mảnh gốm cổ vỡ nát kia thành ngoại tệ''.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Người Trung Quốc không còn dễ tính với trái cây Việt Nam (02/04/2003)
SJC ''giật giải'' xây dựng và quảng bá thương hiệu tốt nhất (01/04/2003)
Nhập nguyên vật liệu làm hàng xuất khẩu được nợ thuế 9 tháng (01/04/2003)
Bơm kim tiêm an toàn Việt Nam lần đầu tiên sang Mỹ (01/04/2003)
Có thể hạ thấp khung thuế suất TTĐB đối với xe máy (01/04/2003)
Hôm nay, giá gas giảm bình quân 500 đồng/kg (01/04/2003)
Đến làng lụa Vạn Phúc mua lụa Trung Quốc (01/04/2003)
Cảng biển Việt Nam tù túng trong cái áo của cơ chế (01/04/2003)
Xác định kinh tế trang trại dựa trên giá trị hàng hóa (01/04/2003)
Xuất khẩu ''hàng giả'', thu lãi thật (01/04/2003)
Hướng dẫn tăng, giảm vốn điều lệ công ty cổ phần (01/04/2003)
42.000ha hoa màu, cây công nghiệp chết khát (01/04/2003)
Mekong - dòng sông còn đang ngủ (01/04/2003)
Cấp mã số cho DN trong 3 ngày (01/04/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang