Khi LHQ ngưng thực hiện Chương trình đổi dầu lấy lương thực của Iraq do chiến tranh bùng nổ, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) như ngồi trên lửa. Tin tức đưa về không mấy lạc quan: chuyến hàng trị giá 1,6 triệu USD của Công ty Mỹ phẩm Như Ngọc, Q.l0 (TP.HCM), thanh toán qua Vietcombank, đã cập cảng Iraq, nhưng chưa giao lên bờ.
Ngân hàng lo bạc mặt
''Liên Hợp Quốc phải ký nhận hàng thì lúc đó tiền mới được chuyển về Vietcombank và bên bán mới nhận được tiền. Còn bây giờ sự chờ đợi không biết kéo dài bao lâu'' - một lãnh đạo Vietcombank nói với vẻ âu lo.
Công ty Mỹ phẩm Như Ngọc không phải là khách hàng duy nhất của Vietcombank bị mắc kẹt vì chiến sự. Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa giao xong lô hàng trị giá 10 triệu EUR, đã lấy được tiền thanh toán 8,2 triệu EUR, còn lại 1,8 triệu EUR nữa chưa kịp nhận thì khói lửa đã bùng lên bên bờ sông Euphrate. Nhưng bị ảnh hưởng ''nặng nề'' nhất của chiến tranh phải kể đến Công ty Dầu thực vật - Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam (Vocarimex). Những container hàng hóa trị giá 4,1 triệu USD đã xuống tầu, làm xong vận đơn, đang trên đường vận chuyển... không biết giải quyết thế nào. Khách hàng "lâm nạn", Vietcombank cũng không đứng ngoài khó khăn. Trước mắt, ngân hàng bắt buộc phải tạm ngưng cho những đơn vị này vay những khoản tiền mới, chờ xử lý hàng kẹt lại. Sữa, dầu ăn, xà bông là những mặt hàng không thể bảo quản lâu vì thời hạn sử dụng chỉ trên dưới 6 tháng đến một năm. Trong trường hợp không bán được hàng, các nhà xuất khẩu phải chờ hàng về, thiệt hại về phí vận tải là rõ ràng. Bên cạnh đó, dầu ăn, xà bông là sản phẩm sản xuất dành riêng cho thị trường Iraq, có hương vị và mùi phù hợp với người tiêu dùng vùng này. Để tiêu thụ trong nước, Vocarimex có thể phải làm mới bao bì, tinh chế lại và giá thành sản phẩm có khả năng đội lên 30%.
Năm ngoái, thanh toán xuất khẩu của ba doanh nghiệp nói trên qua Vietcombank TP.HCM đạt 112 triệu USD, nhập khẩu 3,6 triệu USD. Nhưng từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, chỉ còn 19 triệu USD, nhập khẩu 2,1 triệu USD.
Song, cũng có những ngân hàng may mắn hơn Vietcombank. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tài trợ cho Tổng công ty Máy nông nghiệp 12 triệu USD để xuất khẩu xe buýt sang Iraq. ''Đây là khoản trả nợ của Chính phủ ta cho lraq, được Bộ Tài chính bảo lãnh, nên sau khi giao hàng là tiền được chuyển trả ngay. Chúng tôi đã thu hồi đủ cả vốn lẫn lãi" - giám đốc ngân hàng này thở phào.
Hiện một số ngân hàng chưa thống kê hết doanh số thanh toán xuất nhập khẩu với thị trường Trung Đông vì nhiều khách hàng của họ xuất nhập khẩu vào khu vực này không thường xuyên. Nhưng ảnh hưởng gián tiếp của việc mất thị trường lraq của các nhà xuất, nhập khẩu đến hoạt động ngân hàng không thể không có, mức độ nào thì chưa tính toán được. Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết: ''Chính phủ đang xem xét, đánh giá sự thiệt hại của các nhà xuất khẩu vào lraq, trong trường hợp các công ty bảo hiểm không đền bù cho họ thì Chính phủ sẽ giúp đỡ''.
Ngành du lịch đối phó
Trên các đường phố Hà Nội buổi tối, khách du lịch thưa thớt. Trong quán bar Polite tại phố Bảo Khánh, những người nước ngoài yêu cầu chuyển truyền hình qua kênh thể thao. Những hình ảnh kinh hoàng về cuộc chiến tại lraq làm họ mỏi mệt.
Khách sạn Rex của Saigontourist chỉ mới tuần trước đạt công suất sử dụng phòng 94%, đến đầu tuần này chỉ còn 55%. Nhiều khách nước ngoài gửi thông báo huỷ chỗ hoặc hoãn chuyến du lịch của họ tới Việt Nam.
Khách sạn Rex không phải là nạn nhân duy nhất. Hầu hết các khách sạn lớn tại Hà Nội và TP.HCM đang chịu cảnh tương tự. Khách sạn năm sao New World cho biết công suất sử dụng phòng đã giảm từ 90% xuống còn 50%. Renaissance hiện nay đang ở mức 70% nhưng dự đoán có thể tình hình này còn tiếp diễn trong thời gian tới. Nhiều khách sạn lớn đầu tuần này đã phải triệu tập những cuộc họp khẩn cấp để đối phó với tình hình mặc dù đó là do những tác động khách quan có vẻ như ngoài tầm giải quyết của họ.
Ông Tôn Thất Hòa, Giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Saigontourist cho biết: ''Chúng tôi tính là khi tinh hình kiểm soát dịch bệnh diễn ra tốt thì sẽ mời các hãng đối tác đến Việt Nam để kiểm tra, làm cho họ tin tưởng chắc chắn vào các biện pháp kiểm soát phòng ngừa an toàn của Việt Nam".
Ông Hoà cho biết trên thực tế công ty đang gửi đi các thông tin mới nhất về tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như những thông báo lạc quan về nguồn gốc của căn bệnh này cho các hãng du lịch đối tác. Ông Hòa cho rằng chuyện xảy ra không phải do lỗi của dịch vụ cho nên khuyến mãi, giảm giá không hẳn là biện pháp tốt. Tuy nhiên, đã có những doanh nghiệp nghĩ tới biện pháp giảm giá. Ông julian Wong, Giám đốc Tiếp thị và Bán hàng của khách sạn Renassaince, nhận định đây là những diễn biến bất ngờ và ngắn hạn, và khách sạn cũng cần phải có những biện pháp kịp thời. ''Chúng tôi vẫn làm những việc thường ngày đang làm, có nghĩa là phục vụ khách thật tốt. Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng tính tới một kế hoạch giảm giá để thu hút khách trong tình hình hiện nay".
Trong khi đó, Tổng cục Du lịch cũng đang gửi những thông báo trấn an các công ty du lịch và du khách về tình hình dịch viêm phổi cấp. Một thông báo cho biết tình hình bệnh đã được không chế, không phát triển thành dịch, không lây nhiễm qua đường không khí đã được gửi cho các công ty du lịch yêu cầu thông báo cho tất cả các đối tác nước ngoài. ''Chiến tranh cũng gây ra tâm lý ngại du lịch" - ông Phạm Từ nhận xét. Ông cho biết Tổng cục Du lịch đang chỉ đạo các công ty chuyển hướng thị trường, trong khi duy trì các thị trường dài thì tăng cường xúc tiến ở những thị trường có đường bay ngắn và an toàn như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, ASEAN, đồng thời khai thác thêm du lịch đường bộ, đường biển. ''Chúng tôi sẽ họp bàn với các hãng lữ hành để có kế hoạch cụ thể'', ông Từ cho biết.
Các hãng hàng không cho biết có tình trạng sụt giảm hành khách nhưng chưa thể công bố con số cụ thể. Vietnam Airlines hiện vẫn giữ tần suất bay ổn định, chưa có quyết định cắt giảm.
(Theo TBKTSG) |