(VietNamNet) - Theo Đề án Quy hoạch Tổng thể phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam đến 2010, số tiền trên 56.000 tỷ đồng này sẽ dành cho đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển KHKT, xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ nghề cá, góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng 9-12%, kim ngạch xuất khẩu tăng 11-13%.
Cùng với sản lượng 3,5 triệu tấn thuỷ sản vào năm 2010, Việt Nam phấn đấu trở thành một trong những nước hàng đầu châu Á về xuất khẩu thuỷ sản, đóng góp 6% vào GDP quốc gia.
ĐBSCL sẽ là vùng trọng điểm của cả nước về khai thác, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản thông qua việc tận dụng tối ưu điều kiện sinh thái đặc thù. Trong đó, tập trung chủ yếu vào nuôi bán thâm canh và thâm canh tôm sú, tôm càng xanh, nuôi lồng bè trên sông tại vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp; nuôi nhuyễn thể và cá biển ở Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng để tăng giá trị xuất khẩu cho các tỉnh trong vùng, đặc biệt là vựa tôm Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu; vựa cá biển Kiên Giang và vựa cá nước ngọt ở các sông của An Giang và Đồng Tháp.
Theo Bộ Thuỷ sản, Nam Trung Bộ sẽ là vùng trọng điểm nuôi tôm sú công nghiệp, sản xuất giống hải sản (tôm, cá và các loại nhuyễn thể hai vỏ trong cả nước).
|