Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu cho biết, Bộ Thương mại đang tập trung giải quyết những hợp đồng đã hoàn tất giao hàng song chưa thanh toán; hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng; hợp đồng sản xuất máy chuyên dụng cho Iraq nhưng chưa thực hiện. Những việc làm khẩn trương trên nhằm giữ được thị trường Iraq.
Những vấn đề trên phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến chính trị tại Iraq sau khi chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, khả năng rủi ro đối với các công ty Việt Nam là không cao.
Tạm thời chuyển hướng
Vụ Phi châu - Tây Nam Á (Bộ Thương mại) cho biết, kim ngạch xuất khẩu vào Iraq của Việt Nam trong hai tháng đầu năm chỉ đạt 25 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ. Theo Chương trình đổi dầu lấy lương thực của LHQ dành cho Iraq, các DN Việt Nam đã ký được 25 hợp đồng, với tổng giá trị khoảng 385 triệu USD. Số tiền Iraq đã nhận hàng nhưng chưa thanh toán 13 triệu USD; hàng đã đến cảng Iraq nhưng chưa thanh toán 9 triệu USD; hàng đang trên đường đi hơn 26 triệu USD; số hàng chưa thực hiện hợp đồng khoảng 300 triệu USD...
Trước tình hình đó, Bộ Thương mại đã có một số hướng dẫn trong khi chờ đợi quyết định của LHQ. Đối với hàng đã đến cảng nhưng chưa bốc dỡ và hàng đang trên đường đi, nếu cuộc chiến có chiều hướng kéo dài thì phải điều tàu về Việt Nam hoặc tìm cách bán cho nước khác vì chi phí phạt lưu tàu sẽ lớn. Riêng mặt hàng gạo có phương án sẽ chuyển qua thị trường Iran, châu Phi; mặt hàng chè chuyển sang Pakistan, Đông Âu và Nga.
Ngoài ra, nhiều khả năng LHQ sẽ nối lại chương trình đổi dầu lấy lương thực cho Iraq nên các DN cần chủ động liên hệ với địa diện LHQ ở Việt Nam cũng nhưng đại diện Việt Nam tại LHQ để sớm nắm tình hình. Bộ Thương mại cũng khuyên các DN liên hệ với các cơ quan ngoại giao của Đức, Pháp, Anh tại Việt Nam để tranh thủ các chương trình viện trợ nhân đạo của nước này cho Iraq.
Hoạt động vận tải hàng XNK không bị ảnh hưởng lớn
Theo báo cáo của Bộ Thương mại lên Chính phủ về tác động của cuộc chiến Iraq đến hoạt động vận tải phục vụ XNK của Việt Nam, một số khó khăn mà ngành kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không và hàng hải gặp phải là giá nhiên liệu hiện khá cao; đồng thời, các công ty vận tải phải cắt giảm/thay thế các tuyến vận tải qua khu vực có chiến tranh, làm tăng khoảng cách của các tuyến vận tải; phí bảo hiểm phương tiện, con người, hàng hoá trung bình tăng 20-50% so với trước.
Đánh giá của Bộ GTVT lạc quan hơn khi cho rằng, nhìn chung, tác động của chiến tranh tại Iraq đối với ngành hàng hải, hàng không của Việt Nam không lớn do vẫn chưa có dấu hiệu giá cước vận chuyển sẽ tăng; mức cung vẫn lớn hơn cầu trong lĩnh vực này. Các tuyến vận tải vẫn hoạt động bình thường và có thể hoạt động theo các tuyến dự phòng khi cần thiết. Số hợp đồng vận tải hàng xuất khẩu sang Iraq thực hiện trong tháng 3 không nhiều.
Cụ thể, chỉ có 2 hợp đồng đóng tàu cho Iraq. 2 hợp đồng này đều được LHQ bảo đảm thanh toán; 2 tàu chở gạo sang Iraq (14.000 tấn/tàu) đã xếp hàng nhưng được tạm hoãn; 2 tàu chở xà phòng (420 tấn/tàu) và 1 tàu chở 1.000 tấn dầu ăn đã cập cảng Iraq nhưng chưa dỡ hàng; 1 tàu chở 7.000 tấn sữa đang trên được đến Iraq.
Bộ Thương mại đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho các DN một phần phí bảo hiểm, cước phí vận tải đối với các hợp đồng vận chuyển hàng sang Iraq.
(Theo Thanh Niên) |