|
Khách hàng Singapore thử dịch vụ mới của EIS. |
Gần đây, một số doanh nghiệp (DN) VN đã tính đến chuyện “đem chuông đi đánh xứ người”. Tuy nhiên, phần lớn DN vẫn chỉ quanh quẩn ở giai đoạn thủ tục, mà nguyên nhân cơ bản là DN gặp quá nhiều khó khăn, trong đó có nhiều vấn đề nằm ngoài khả năng của DN.
Mỗi năm phải xin nhập cảnh cả trăm lần
Sau ba năm đầu tư ra nước ngoài, đến nay tổng vốn đầu tư của Công ty Cổ phần Công nghệ thông tin (EIS) ở Mỹ, Thái Lan, Singapore đã lên đến 5 triệu USD. Với quy mô làm ăn như vậy, ông Trần Huỳnh Duy Thức, Tổng Giám đốc điều hành EIS cho biết, năm 2002, ông ra nước ngoài tổng cộng hơn 100 chuyến. Và hầu như chuyến đi nào ông cũng phải xin thị thực nhập cảnh, có lúc hộ chiếu không "rảnh" để xin thị thực. Tương tự, một doanh nhân khác ở TP.HCM - đang làm thủ tục để đầu tư sang Australia - tâm sự: ''Hiện Australia là điểm đến của nhiều nguồn di dân. Vì vậy, người nước ngoài đến đây làm ăn cũng phải chịu sự kiểm soát hết sức khắt khe của chính quyền sở tại. Tôi đã có giấy phép đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cấp từ bốn tháng nay nhưng đến giờ vẫn chưa được phía bạn cho phép vào làm ăn, vì họ sợ mình đầu tư giả để di dân''. Ông Thức so sánh, doanh nhân ở nhiều nước đi lại hầu như không phải xin thị thực, do nước họ đã ký hiệp định miễn thị thực với nhiều nước.
Nhiều khoản chi phí phụ
Nhiều DN ở TP.HCM cho biết thêm, hiện thủ tục làm ăn ở nước ngoài không tìm được luật sư trong nước để tư vấn, phải thuê luật sư nước ngoài nên rất tốn kém. Mỗi lần thuê như vậy, chưa biết kết quả thế nào, nhưng trước hết, DN Việt Nam phải nộp tiền vào tài khoản của họ ít nhất cũng vài chục nghìn USD.
Theo bà Phan Xuân Mai, cơ quan đại diện phía Nam của Bộ KH-ĐT, việc làm thủ tục gặp trở ngại đáng kể do hầu hết DN không có báo cáo kiểm toán. Đây là yêu cầu bắt buộc vì an ninh ngoại tệ. Mà kiểm toán thì phải mất thời gian, chi phí ít ra cũng phải vài chục triệu đồng.
Theo Ban giám đốc Công ty Cổ phần Kinh Đô, sau khi đi thực địa ở Mỹ, DN này đã tạm dừng dự án đầu tư xây dựng nhà máy bánh kẹo ở đây. Nguyên nhân là có nhiều chi phí lớn chưa dự đoán được. Thí dụ, để xây dựng một nhà máy bánh kẹo có vốn thiết bị khoảng 2-3 triệu USD, cộng với tất cả các chi phí khác DN phải có từ 5 đến 7 triệu USD thì nhà máy này mới có thể đi vào hoạt động. Chi phí này quá cao so với Việt Nam.
Phải đưa người lao động ra nước ngoài đăng ký làm việc
Ông Thức cho biết, khi đầu tư ra nước ngoài, với cùng công việc thì EIS không thể trả lương cho người nước ngoài cao hơn nhân viên trong nước. Vả lại khi bước ra thị trường thế giới, cùng mặt bằng cạnh tranh thì dứt khoát phải cùng mặt bằng lương, không thể để cho người lao động Việt Nam phải chịu thiệt. Tuy vậy đây là vấn đề không đơn giản. Hiện nay, trong công nghệ thông tin, thu nhập của lực lượng lao động trong khu vực khoảng 1.400-1.500 USD/tháng. Nhưng ở Việt Nam để người lao động thực lĩnh được mức lương này, DN phải bỏ ra gần 50 triệu đồng, do phải đóng thuế thu nhập, bảo hiểm... Trong khi đó, ở các nước xung quanh DN chỉ cần bỏ ra khoảng 1.700-1.800USD.
(Theo NLĐ) |