(VietNamNet) - Ba mức hạn ngạch 90, 95 và 100% mức năm 2002 được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đề xuất với sản phẩm philê đông lạnh cá tra, basa Việt Nam xuất sang Mỹ trong 3 năm 2003-2005. Tổng Thư ký VASEP, TS. Nguyễn Hữu Dũng, cho rằng có thể coi đây là một trong những cách tiếp cận nhằm hạn chế sự ''phát triển nóng'' của cá tra, basa tại Việt Nam hiện nay.
Trao đổi với VietNamNet, TS. Nguyễn Hữu Dũng nhận định, đây là một cách tiếp cận hợp lý trong diễn biến vụ kiện, bởi chính Hiệp hội các nhà nuôi cá nheo Mỹ (CFA) từng cho rằng, Việt Nam phát triển ồ ạt sản lượng cá tra, basa; và con cá này đang đe dọa đến nền sản xuất cá da trơn Hoa Kỳ. ''Tôi mong phía Mỹ thấy đây là một đề xuất đầy thiện chí của VASEP và các DN Việt Nam, đưa quan hệ thương mại song phương trở lại bình thường'', ông Dũng nói.
Học cách tư duy mới
Chúng ta có lẽ chưa quên bài học về sự phát triển ồ ạt, tự phát của cây cà phê, hạt tiêu, mía đường, sắp tới có thể là cây sắn và nhiều mặt hàng nông sản khác. Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn quen tư duy theo kiểu sản lượng. Song, trong nền kinh tế thị trường, nông dân, nhà chế biến và nhập khẩu phải tính toán để thấy số tiền mình thu được, chứ không phải sản lượng xuất khẩu. Số tiền này cao hơn bao nhiêu so với vốn bỏ ra, đó mới là điều quan trọng.
Ông Dũng bức xúc: ''Vấn đề đặt ra hiện nay là tư duy. Rõ ràng, người nông dân chỉ biết lợi trước mắt thì sản xuất, mà sản xuất ồ ạt thì cung vượt cầu, kéo giá xuống. Khi đó, họ lại kêu ca, phàn nàn DN mua phá giá, mà trên thực tế, chính họ là người phá giá''.
Con cá tra, basa cũng không tránh khỏi tình trạng đó. Trong vòng chưa đầy 5 năm, từ 1995 đến 2000-2001, sản lượng cá tra, basa tăng ít nhất gấp đôi. Năm ngoái, Việt Nam nuôi được 120.000 tấn cá da trơn, trong đó, riêng tỉnh An Giang đóng góp 8.000-9.000 tấn, với 4.000 bè. Như vậy, tính đến thời điểm này, sự bùng phát về sản lượng cá tra, basa cần được điều tiết sao cho sản xuất và tiêu thụ được hợp lý. Áp dụng hạn ngạch đối với sản phẩm philê cá tra, basa đông lạnh có thể coi là biện pháp làm giảm sự phát triển nóng của sản lượng hiện nay. Khi đó, người nông dân sẽ phải tính toán là làm bao nhiêu, bán cho ai, với mức giá nào thì có lãi?
Ông Nguyễn Hữu Dũng nói: ''Điều mà hiệp hội quan tâm nhất, không chỉ trong vụ khiếu kiện này, là làm sao đảm bảo lợi nhuận ổn định cho người nuôi cá và nhà chế biến; song trước hết vẫn là người nuôi cá, bởi họ có sống thì mới nuôi được nhà chế biến. Làm sao phải tạo được sự gặp nhau giữa người sản xuất và tiêu dùng. |
''Tôi đã nhiều lần đề cập đến tư duy thị trường, ngay tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ với các DN ở TP.HCM vừa qua. Sản xuất phải phát triển tương ứng nhu cầu thị trường, mở thị trường ra đến đâu hãy phát triển sản xuất đến đấy. Phải làm sao để giữ cho việc sản xuất tương đối ổn định'', ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Dũng kỳ vọng, việc áp dụng hạn ngạch sẽ tránh được tình trạng DN tranh mua với giá rẻ, mà vô hình trung, nhiều khi đẩy mức giá xuống quá thấp. Nếu áp dụng hạn ngạch trong một thời gian (2003-2005), thì ngay lập tức, DN chịu áp lực buộc phải tăng giá. Ông Dũng lấy ví dụ, nếu một công ty chế biến chỉ được giao 3.000 tấn cá xuất khẩu, họ phải bán giá càng cao càng có lãi, chứ không thể giảm giá được. ''Cạnh tranh bằng giá giữa các DN là rất bất lợi, áp dụng hạn ngạch sẽ làm giảm điều đó''.
Ngoài ra, hạn ngạch cũng giúp nhà chế biến Việt Nam tránh sự ép giá của các nhà nhập khẩu. Cho đến nay, họ vẫn mua cá của những DN có giá chào hàng thấp, đưa ra những thông tin thất thiệt về mức giá bán của các DN.
Lạt mềm buộc chặt
Qua vụ khiếu kiện cá tra, basa, Việt Nam rút ra được bài học về sự phát triển có tổ chức, tránh quan niệm cứ sản xuất ra bao nhiêu, cơ quan có thẩm quyền lại yêu cầu DN chế biến phải tiêu thụ hết.
Theo ông Dũng, DN không có trách nhiệm pháp lý trong việc tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Tất nhiên, để khai thác tốt nhất năng lực của mình nhằm thu lợi, DN phải tranh thủ mọi cơ hội để mua nguyên liệu. Một cách làm hay mà hiện nay, một số thành viên VASEP đã thực hiện là thành lập những vệ tinh (club) cung cấp nguyên liệu, như Agifish với CLB 20.000 tấn, Afiex với CLB 10.000 tấn. Những club này không chỉ giúp DN đảm bảo sản lượng, mức giá, mà trên hết là ổn về chất lượng. Người nuôi sẽ không được phép sử dụng kháng sinh, hóa chất độc hại. DN mua toàn bộ số cá ấy cho người nuôi trên cơ sở hợp đồng, với mức giá được thấp nhất đã được thống nhất. Việc VASEP mua 9.500 đồng/kg cá tra, basa (ngày 6/2) đã giúp người nuôi không lỗ khi giá xuống 6.000-7.000 đồng/kg là một nỗ lực đáng ghi nhận.
Hiện nay, tất cả các thành viên của VASEP đều được yêu cầu thành lập các CLB cá nguyên liệu cho mình. Theo ông Dũng, hình thức này tạo sự liên kết, tuy rất mềm nhưng lại chặt, và nên được áp dụng cho tất cả các loại thuỷ hải sản khác như tôm, cá rô phi...
Bộ Thuỷ sản sẽ phân bổ hạn ngạch
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), bà Nguyễn Thị Hồng Minh, cho VietNamNet biết, nếu không có gì thay đổi, đại diện Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ sang Việt Nam vào tháng này để đàm phán, tiến đến một thoả thuận đình chỉ vụ kiện DN Việt Nam bán phá giá cá tra, cá basa vào thị trường này.
Song, ông Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, việc VASEP đề xuất áp dụng hạn ngạch với thỏa thuận đình chỉ vụ kiện là hoàn toàn khác nhau. Trong khi Bộ Thương mại Mỹ và Chính phủ Việt Nam bàn bạc về một thỏa thuận đình chỉ (agreement of suspension) - ở cấp chính phủ, thì VASEP có cách tiếp cận khác dựa trên sự thống nhất giữa các thành viên. ''Chúng tôi có quyền nói không nếu như thỏa thuận đó không đúng mục đích của hiệp hội. Điều này có nghĩa là, VASEP vẫn đi đến cùng vụ kiện nếu như các điều khoản của bản thỏa thuận gây bất lợi cho các thành viên'', ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết, mức hạn ngạch sẽ do Bộ Thuỷ sản - cơ quan nhà nước quyết định và phân bổ, VASEP chỉ đề nghị mức đó là bao nhiêu cho từng DN cụ thể. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 11 DN đang xuất khẩu cá tra, basa sang Mỹ, với sản lượng 21.000 tấn. Phần lớn số quota sẽ được phân bổ cho những DN năm 2002 đã xuất sang Mỹ và dựa trên sản lượng thực tế họ đã xuất khẩu. Số phần trăm còn lại dành để đấu thầu cho các công ty mới. Biện pháp này có thể giúp DN mở rộng thị trường Mỹ, đồng thời, cũng là cơ hội để tìm thị trường mới.
|