(VietNamNet) - Đã có trên 80 công ty xuyên quốc gia (MNCs) nằm trong danh sách 500 công ty MNCs hàng đầu thế giới như Unilever, LG, Samsung, Coca Cola, Nike... đầu tư vào Việt Nam. Các công ty này chọn các ngành công nghiệp quan trọng như dầu khí, viễn thông, ôtô, xe máy, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, hóa chất, nước giải khát, ngân hàng, bảo hiểm...
Theo số liệu mới nhất của Bộ KH-ĐT, Singapore đang là nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với 311 dự án với số vốn hơn 6 tỷ USD. Các vị trí tiếp theo thuộc về Đài Loan, Nhật, Hongkong và Hàn Quốc. Riêng vốn đầu tư của các nước và vùng lãnh thổ này chiếm tới 53,7% tổng dòng vốn cam kết vào Việt Nam (với hơn 23 tỷ USD). Nằm trong danh sách 10 nước có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) lớn nhất tại Việt Nam còn có Pháp, British Virgin Islands, Anh, Mỹ và Nga.
Hiện 8 nước và vùng lãnh thổ có số vốn thực hiện trên 1 tỷ USD, trong đó vốn ĐTNN thực hiện của Nhật Bản là 3,28 tỷ USD, Singapore 2,68 tỷ USD, Đài Loan 2,31 tỷ USD, Hàn Quốc 2,13 tỷ USD, Hongkong 1,76 tỷ USD, các nước Malaysia, Anh, Hà Lan đều đạt trên 1 tỷ USD.
Vốn ĐTNN từ các nước châu Á chiếm tới gần 62%, trong đó ASEAN gần 22%. Vốn từ châu Âu, Bắc Mỹ, Australia còn thấp (chiếm 36,5%). Do thiếu các chính sách cụ thể (đất đai, vay vốn...) nên các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có rất ít dự án ĐTNN. Thực tế và khả năng ĐTNN của Việt kiều còn hạn chế.
Hơn 10 năm qua, ĐTNN tại Việt Nam chỉ thực hiện theo ba hình thức: doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn ĐTNN (theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn), hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng và chưa mở được các kênh mới thu hút đầu tư nước ngoài. Sự đơn điệu này đang là một hạn chế lớn trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Việt Nam đang nghiên cứu để áp dụng các hình thức ĐTNN mới đã áp dụng phổ biến ở các nước khác như: cho phép mua lại và sáp nhập (M&A) trong một số lĩnh vực; áp dụng hình thức công ty cổ phần ĐTNN, công ty quản lý vốn, công ty mẹ - con hoạt động theo hình thức đa mục tiêu, đa chức năng; xem xét việc cho phép nhà ĐTNN mua trên 30% cổ của doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, được nhận khoán, quản lý, thuê các doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện; ban hành quy chế hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài.
|