|
Khẩu trang xuất hiện ở khắp nơi. |
Mấy ngày nay, tiểu thương chợ Bình Tây phải quen với cách nói chuyện mới với nhiều du khách nước ngoài. Họ đeo khẩu trang kín mít, nói chuyện, trả giá bằng ngôn ngữ tay chân nhiều hơn bằng lời. Kêu bớt 5.000 đồng, khách xòe năm ngón; 10.000 đồng: 1 ngón+1 nắm tay.
Bà Thủy Hoa, chủ shop giày dép, túi xách thêu tay chợ Bình Tây nói rằng: "Họ ngại cúm đó, làm cách này hơi khó giao tiếp, nhưng có khách là may rồi". Nửa tháng trước, du lịch hể hả; tiểu thương chợ Bến Thành, An Ðông, Bình Tây cũng tưng bừng đón khách ngoại. Nửa tháng sau cúm, chợ vắng bóng người qua lại.
Bà Dung, chủ shop đồ khô cao cấp, ở tầng hầm chợ An Ðông nói: "Có ngày không đón được khách nước ngoài nào ghé coi". Vậy mà trước và sau Tết, bà đã dốc hết tiền nhập mấy chục kg vi cá loại một. Vốn liếng bây giờ ghim chặt trong hơn 30kg vi cá, chờ qua cúm. Nhìn khách ngoại lo vì dịch cúm, nhiều tiểu thương linh động tìm biện pháp trấn an. Họ trở nên thận trọng hơn, không kèo néo, cười nói luyên thuyên giới thiệu hàng. Ở các quầy ăn uống, người bán cũng đeo khẩu trang, bao tay để khách yên tâm.
Chợ Bình Tây, chợ Bến Thành ngày thường bánh, mứt đầy ứ từng mâm lớn trước sạp. Giờ các tiểu thương cho vào keo, hũ đặt để trên ghế cao, dù đang mùa nóng thực phẩm dễ hầm hơi. Khách mua được phát bao tay nilông dùng một lần rồi bỏ, thay vì dùng kẹp gắp chung như lúc trước.
Dù cố tìm cách đối phó tình thế, các tiểu thương vẫn mong đại dịch qua nhanh. Bà Nguyễn Kim Loan, chủ shop Chào (41 Phan Chu Trinh, quận 1) nói: " Khách quen sinh sống làm ăn lâu dài tại Việt Nam còn đỡ, chứ khách vãng lai rất ngại ngần, họ phải có đủ thông tin mới quay trở lại".
(Theo SGTT) |