Mỹ tiếp tục gây sức ép với hàng dệt may Việt Nam
15:56' 11/04/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trước khi bắt đầu vòng đàm phán thứ hai về hiệp định dệt may song phương đang diễn ra tại Washington (9-11/4), Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ phụ trách các vấn đề thương mại quốc tế Grant D. Aldonas đã phát biểu, Mỹ sẽ đơn phương áp đặt hạn ngạch đối với hàng dệt may Việt Nam, nếu kết quả của vòng đàm phán không phải là một hiệp định đã được ký kết.

Doanh nghiệp dệt may Mỹ gây sức ép

Ông Aldonas có lời phát biểu trên tại Đại hội thường niên lần thứ 54 của Hiệp hội Các công ty dệt may Mỹ (ATMI) tại Florida. Điều này đã được bà Emily Kertz, người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ khẳng định là "chính xác về bản chất". Đây có thể coi là một động thái gây sức ép với Việt Nam khi đàm phán hiệp định.

Về phần mình, phía Việt Nam cũng cho biết, Việt Nam muốn ký kết hiệp định dệt may trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp hai nước.

Mỹ vẫn có thể đơn phương áp đặt hạn ngạch đối với Việt Nam, vì Việt Nam hiện chưa phải là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hạn ngạch này chỉ có lợi cho một số công ty dệt may của Mỹ, nhưng lại gây tổn hại tới lợi ích người tiêu dùng, các công ty nhập khẩu và bán lẻ của Mỹ. Không những thế, nó còn tác động xấu tới các ngành công nghiệp khác có quan hệ kinh doanh tốt với Việt Nam như hàng không, hàng tiêu dùng, bảo hiểm, tài chính, công nghệ thông tin...

Các nhà bán lẻ Mỹ phản đối hạn ngạch hàng dệt may với Việt Nam

Hiện các nhà nhập khẩu và bán lẻ Mỹ vẫn đang hối thúc Chính phủ không hạn chế hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 5/4, 23 hạ nghị sĩ Mỹ đã gửi thư cho Trưởng đại diện thương mại Mỹ Robert B. Zoellick, khẳng định việc nhập khẩu hàng may mặc từ Việt Nam không gây rối loạn thị trường Mỹ, cũng không ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người lao động Mỹ.

Là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ luôn vượt mức 70 tỷ USD trong những năm gần đây. Sau một năm Hiệp định Thương mại song phương có hiệu lực, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã xuất sang Mỹ 975 triệu USD, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2002. Tính đến hết quý I/2003, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường này đạt hơn 500 triệu USD, tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ 2002. Bộ Thương mại dự kiến, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ có thể đạt 1,4 tỷ USD trong tổng số 3,2 tỷ của năm 2003. Hiện Mỹ đã trở thành thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam, vượt qua các thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản...

Bức thư có đoạn viết:"Hầu hết các công ty dệt may của Mỹ đều đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam, để tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào dệt may Trung Quốc và đảm bảo nguồn cung cho năm 2004". Thư cũng đưa ra yêu cầu không áp đặt hạn ngạch đối với những mặt hàng thị trường Mỹ có nhu cầu lớn như: áo dệt kim cotton, quần âu cotton... và chỉ áp đặt hạn ngạch đối với những mặt hàng dệt Mỹ đang sản xuất như: xơ, sợi, vải. Trong số các hạ nghị sĩ đồng ký tên có Chủ tịch Ủy ban Luật lệ của Hạ viện David Dreier, Chủ tịch Tiểu ban Các biện pháp thương mại Philip M. Crane...

Trước đó, ngày 27/3, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Richard G. Lugar cũng đã thay mặt Ủy ban Đối ngoại gửi thư cho ông Zoellick, đề nghị xem xét một cách toàn diện hơn những ảnh hưởng của việc áp dụng hạn ngạch dệt may đối với người tiêu dùng nước này, và yêu cầu không đặt ra bất cứ hạn chế gì đối với các mặt hàng Mỹ không sản xuất.

Vòng đàm phán thứ hai đang thu hút sự quan tâm sát sao của các doanh nghiệp dệt may hai nước, các nhà nhập khẩu và bán lẻ Mỹ, cũng như các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư tại Việt Nam. Hôm nay (11/4) sẽ là ngày đàm phán cuối cùng tại Washington. Trước đó, vòng đàm phán thứ nhất tại Hà Nội vào 19-21/2 đã không chưa tới kết quả cụ thể nào.

  • Đặng Hương
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Dự luật Đất đai xóa bỏ tàn dư cuối cùng của cơ chế bao cấp (11/04/2003)
Khó cập nhật thông tin DN vi phạm về hải quan (11/04/2003)
3 phút cho phiên đấu giá quyền sử dụng đất đầu tiên (11/04/2003)
Chỉ còn 45 DN xe máy trong nước (11/04/2003)
Hợp đồng gia công giày ''chảy về'' Việt Nam (11/04/2003)
Thủ tướng chỉ thị xử lý nghiêm cán bộ gây phiền hà cho DN (11/04/2003)
Thị trường chứng khoán mỏi mòn chờ... Nghị định (11/04/2003)
Bảo Minh: ''Hai lần chúng tôi xin lỗi'' (10/04/2003)
Thuỷ sản Việt Nam canh chừng rủi ro tiềm ẩn (10/04/2003)
Việt Nam trở lại vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo (10/04/2003)
Mở đường bay TP.HCM - Côn Minh (10/04/2003)
Kinh tế châu Á trước bệnh dịch SARS  (10/04/2003)
7 điều kiện để NH cổ phần niêm yết cổ phiếu (09/04/2003)
Giá thép sẽ không giảm cho tới tháng 6 (09/04/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang