|
Chè - một mặt hàng luôn được hỗ trợ xuất khẩu |
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Tổng giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển cho biết, trước đây, thị trường xuất khẩu của nước ta còn hạn hẹp, nên hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường mới là cần thiết. Còn hiện nay, chủ trương khuyến khích xuất khẩu không phân biệt thị trường lại hoàn toàn hợp lý.
- Xin ông cho biết về danh mục các mặt hàng được hưởng tín dụng hỗ trợ xuất khẩu?
- Có 18 mặt hàng, chủ yếu xuất xứ từ nông nghiệp và nông thôn như: gạo, lạc nhân, cà phê, chè, hạt tiêu, thủy sản, thịt gia súc-gia cầm, gốm, sứ, đồ mỹ nghệ... Ngoài ra, có một số mặt hàng khác như sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy tính nguyên chiếc và phụ kiện máy tính... Phần lớn các mặt hàng này sử dụng nhiều lao động, nhiều vật liệu sẵn có trong nước, hoặc đòi hỏi sự khéo léo, cần mẫn của người lao động.
- Có nên đưa vào danh mục nhưng sản phẩm chưa có lợi thế cạnh tranh quốc tế như cơ khí hay máy tính?
- Tại một số thị trường không đòi hỏi quá cao về chất lượng và chủng loại, các sản phẩm cơ khí trọng điểm và máy tính của Việt Nam đã thâm nhập được. Việc cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm cơ khí trọng điểm và máy tính được hưởng tín dụng hỗ trợ xuất khẩu là nhằm khuyến khích xuất khẩu, qua đó phát triển các ngành hàng này.
- Kể từ khi Chính phủ có chủ trương cho vay tín dụng hỗ trợ xuất khẩu vào năm 2001 đến nay, mỗi năm danh mục các mặt hàng đều được mở rộng thêm. Theo ông, điều này có làm "loãng" chính sách ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm?
- Hỗ trợ xuất khẩu thực chất là hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường thế giới, giúp cho người sản xuất hàng hóa bán được sản phẩm, nâng cao đời sống. Nên theo tôi, nếu có đủ nguồn lực thì không cần thiết phải hạn chế.
- Xin ông cho biết, lượng vốn cho vay hỗ trợ xuất khẩu năm 2003 của Quỹ Hỗ trợ phát triển là bao nhiêu?
- Chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao là 3.000 tỷ đồng, nhưng chúng tôi phấn đấu đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, vượt 67%.
- Như vậy có lạc quan quá không?
- Không. Từ khi thực hiện cho vay tín dụng hỗ trợ xuất khẩu đến nay, năm nào Quỹ Hỗ trợ phát triển cũng cho vay trên 60% so với chỉ tiêu được giao.
- Các doanh nghiệp hiện đã thật sự thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn này chưa, thưa ông?
- Quỹ Hỗ trợ phát triển đã và đang giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tăng thẩm quyền, phát huy tính độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển ở địa phương trong việc quyết định cho vay hỗ trợ xuất khẩu.
(Theo Đầu Tư) |