|
Xử lý hàng hoá tồn đọng để giải phóng kho cho DN. |
(VietNamNet) - Theo Thông tư số 36/2003/TT-BTC Bộ Tài chính vừa ban hành, hàng hoá trong kho ngoại quan quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày hết hạn hợp đồng thuê kho, chủ kho đã thông báo đề nghị gia hạn hợp đồng nhưng chủ hàng không ký tiếp gia hạn hoặc không đưa hàng ra khỏi kho, sẽ được đem ra xử lý (bán đấu giá hoặc tiêu huỷ).
Đối tượng hàng hoá tồn đọng được đem ra xử lý còn bao gồm: hàng hoá quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày hết hạn hợp đồng gia hạn thuê kho ngoại quan, chủ kho đã thông báo việc hết hạn cho chủ hàng nhưng chủ hàng không đưa hàng ra khỏi kho; hàng trong thời hạn hợp đồng thuê kho nhưng chủ hàng có văn bản từ bỏ hàng hoá...
Hội đồng xử lý hàng hoá tồn đọng do Cục Hải quan cấp tỉnh thành lập sẽ chịu trách nhiệm tổ chức bán đấu giá hoặc tiêu huỷ các hàng hoá nói trên. Đối với hàng hoá còn giá trị sử dụng không thuộc diện cấm sử dụng hoặc dễ bị hư hỏng, Hội đồng xử lý tổ chức bán đấu giá trên cơ sở giá thị trường. Hàng hoá loại này vẫn bị tính thuế nhập khẩu và áp dụng tại thời điểm người mua làm thủ tục đưa hàng ra khỏi kho ngoại quan. Đối với hàng hoá không còn giá trị sử dụng (mục nát, hư hỏng, không bảm đảm chất lượng), hết hạn sử dụng ghi trên nhãn mác hoặc hàng hoá thuộc diện cấm lưu hành thì Hội đồng xử lý lập biên bản để tổ chức thiêu huỷ.
Số tiền thu bán hàng hoá tồn đọng kho ngoại quan sau đi trừ các chi phí bán đấu giá, thuế và chi phí dịch vụ kho ngoại quan... sẽ được nộp ngân sách Nhà nước. Nhà nước sẽ không bù đắp nếu chi phí và các khoản tiền phải trả vượt số tiền bán hàng hoá; khi đó sẽ ưu tiên thanh toán chi phí công tác tổ chức bán đấu giá. Đối với hàng hoá tồn đọng phải tiêu huỷ, chi phí tiêu huỷ do DN kho ngoại quan chịu và được hạch toán vào chi phí của DN.
|