|
Việt Nam muốn Hiệp định Dệt may có hiệu lực từ 1/7/2003 |
(VietNamNet)
- Tại Washington, hai đoàn đàm phán Việt Nam và Mỹ đang thảo luận những chi tiết cuối cùng trước khi ký kết Hiệp định Dệt may song phương. Hiện hai bên còn thương lượng về các từ ngữ cụ thể trong Hiệp định và thời điểm có hiệu lực. Mỹ muốn hồi tố Hiệp định Dệt may từ 1/4/2003. Trong khi đó, Việt Nam lại muốn Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/7/2003.
Sau hơn một tuần đàm phán rất căng thẳng, Việt Nam và Mỹ đã đi đến thỏa thuận, mỗi năm Việt Nam sẽ xuất sang Mỹ tối đa 1,7 tỷ USD hàng dệt may. Riêng hạn ngạch năm 2003 tối thiểu là 1,5 tỷ USD. Về cơ bản, 30 mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ phải tuân thủ hạn ngạch.
Theo các con số được đưa ra trong bức thư của 7 hạ nghị sĩ Mỹ gửi Tổng thống Bush ngày 18/4, hạn ngạch đối với quần dài dệt bông là 84 triệu chiếc/năm (con số Mỹ đưa ra trong vòng đàm phán thứ nhất là 34,8 triệu chiếc). Áo sơmi dệt kim sợi bông là 164 triệu chiếc/năm (con số ban đầu là gần 60 triệu chiếc). Và Mỹ sẽ không áp dụng hạn ngạch đối với quần đùi.
Tính đến hết quý I/2003, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường này đạt hơn 530 triệu USD, tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ 2002. Năm qua, Việt Nam đứng thứ 20 trong số các nước xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ. Hiện Mỹ đã trở thành thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam, vượt qua các thị trường truyền thống như EU, Nhật Bản...