|
DN dân doanh nhạy bén với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. |
Ông Trần Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết đang tồn tại một thực tế là các DN nhà nước, cá biệt là một số tổng công ty lớn khá thờ ơ với việc đăng ký nhãn hiệu. Chỉ khi có tranh chấp hoặc gặp rắc rối với nước ngoài, họ mới vội vàng xin đăng ký nhãn hiệu của mình.
Trong khi đó, các DN vừa và nhỏ, các công ty TNHH, công ty cổ phần... lại rất nhạy bén trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Hiện phí ĐKNH hàng hóa ở Việt Nam rất rẻ, chỉ có 750.000 đồng cho một nhãn hiệu và bảo hộ 10 năm.
Từ đầu năm 2003 đến nay, Cục Sở hữu công nghiệp đã nhận được gần 3.000 đơn xin đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2002. Dự kiến năm nay, số đơn xin đăng ký sẽ vượt lên 10.000 đơn (năm 2002 là 8.000 đơn). Địa phương có số lượng DN, cá nhân đăng ký nhãn hiệu nhiều nhất là TP.HCM, chiếm hơn một nửa số lượng đăng ký của cả nước, sau đó là Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng... Có địa phương như Bắc Kạn chưa có DN, cá nhân nào xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Theo Cục Sở hữu công nghiệp, trong vài năm gần đây đã có nhiều DN Việt Nam xin đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Năm 2002, có 31 nhãn hiệu được đăng ký theo thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu. Tuy nhiên, con số nhãn hiệu đã đăng ký và đã được thị trường thừa nhận còn chưa nhiều so với tổng số khoảng 100.000 DN đang hoạt động.
(Theo NLĐ) |