|
Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh bình đẳng tại thị trường Iraq |
Sau chiến tranh, giao thương giữa Iraq với thế giới, trong đó có Việt Nam sẽ được tái lập. Bà Vũ Thị Thêm, Vụ trưởng Vụ Tây Á-châu Phi, Bộ Thương mại cho biết, Iraq hậu chiến sẽ không còn là thị trường "hạn ngạch" như trước kia. Sau khi Liên Hợp Quốc bãi bỏ cấm vận, đây sẽ là "sân chơi" bình đẳng cho mọi đối tác, và Việt Nam phải chấp nhận cạnh tranh quyết liệt trên mảnh sân chung đó.
- Thưa bà, có quan điểm cho rằng, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Iraq thời hậu chiến sẽ khác về chất so với trước cuộc chiến. Bà có đồng ý với quan điểm này không?
- Tôi cũng nghĩ vậy. Trước đây, đối với Việt Nam, thị trường Iraq là thị trường "hạn ngạch" (đấu thầu do Liên Hợp Quốc điều hành, phê duyệt hợp đồng theo "chương trình đổi dầu lấy lương thực"). Còn ngay sau khi Liên Hợp Quốc bãi bỏ lệnh cấm vận, Iraq sẽ là một sân chơi bình đẳng cho mọi đối tác. Và Việt Nam phải chấp nhận sân chơi chung đó.
- Thưa bà, bao giờ thì các hoạt động giao thương được nối lại? Và những mặt hàng xuất khẩu nào của Việt Nam vào Iraq bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc chiến vừa qua?
- Gạo, sữa, dầu ăn, chè... là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Iraq trước cuộc chiến (khoảng trên dưới 500 triệu USD). Dĩ nhiên, khi chiến tranh xảy ra, hoạt động giao thương bị gián đoạn, và các mặt hàng này cũng không vào được Iraq. Giờ chiến tranh đã kết thúc, quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên phải chờ đến khi chính phủ mới của Iraq được thiết lập.
- Các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý những gì khi vào lại thị trường Iraq?
- Các doanh nghiệp Việt Nam cần gia tăng mạnh mẽ khả năng cạnh tranh của sản phẩm, vì hàng Việt Nam phải cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ khác. Về mặt nhà nước, đại diện thương mại của Việt Nam sẽ có mặt tại Iraq, ngay khi tình hình an ninh cho phép để giúp các doanh nghiệp nối lại hoạt động thương mại với thị trường này.
- Cụ thể, những mặt hàng chủ lực của ta sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ nào, thưa bà?
- Gạo của Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với gạo Mỹ và Thái Lan, khi họ có lợi thế hơn cả về chất lượng lẫn giá cả. Với chè thì Sri Lanka, Ấn Độ, Kenya sẽ là các đối thủ đáng gờm. Malaysia, Indonesia rất mạnh về dầu ăn. Sữa phải cạnh tranh ngang ngửa với Thụy Sĩ, Pháp và một số nước Châu Âu khác... Tóm lại là ta phải "tăng lực" cho các mặt hàng này ngay từ bây giờ nếu không muốn chậm chân.
- Xin cảm ơn bà.
(Theo Lao Động) |