Theo tin riêng của nhật báo Women's Wear, Ủy ban Triển khai các hiệp định dệt may của Mỹ 'úp mở' rằng kể từ hôm nay (25/4), Mỹ sẽ bắt đầu đơn phương áp đặt hạn ngạch đối với 41 mặt hàng dệt may và cấm nhập khẩu đồ bơi từ Việt Nam, nếu hiệp định dệt may Việt-Mỹ vẫn chưa được ký kết.
Đây lại là một động thái mới của sách lược gây sức ép đối với Việt Nam trong quá trình đàm phán Hiệp định dệt may song phương.
Trước đó, tối ngày 21/4, Văn phòng Trưởng đại diện thương mại đã thông báo với đại diện ngành dệt may Mỹ rằng, họ đang điều tra lời cáo buộc Việt Nam sử dụng hàng dệt may của Trung Quốc để xuất sang thị trường Mỹ. Ngày 18/4, 7 hạ nghị sĩ đã gửi một bức thư tới Tổng thống Mỹ Bush, yêu cầu ông Bush can thiệp vào quá trình đàm phán, để hồi tố Hiệp định dệt may từ 1/4/2003 với mức hạn ngạch được đưa ra trong vòng đàm phán đầu tiên (tháng 2/2003). Về phần mình, Việt Nam muốn Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/7/2003.
Sau hơn hai tuần đàm phán rất căng thẳng, hiện Việt Nam và Mỹ vẫn đang thương lượng những chi tiết cụ thể cuối cùng của Hiệp định dệt may song phương. Hai bên đã thỏa thuận, năm 2003, Việt Nam sẽ xuất sang Mỹ tối đa 1,7 tỷ USD hàng dệt may. Phía Mỹ cũng đồng ý mỗi năm sẽ nâng mức hạn ngạch nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam thêm 10%, và 30 mặt hàng sẽ phải chịu hạn ngạch.
Trả lời phỏng vấn của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu cho biết, mức hạn ngạch 1,7 tỷ USD cho năm 2003 là tạm đủ. Tuy nhiên, mức hạn ngạch những năm tiếp theo không làm phía Việt Nam hài lòng. Ông Khu nói: "Tỷ lệ tăng hạn ngạch xuất vào Mỹ 10%/năm không tương xứng với năng lực cũng như tiềm năng phát triển của ngành dệt may Việt Nam".
Như vậy, mục tiêu 2-2,5 tỷ USD hạn ngạch xuất khẩu vào Mỹ mà phía Việt Nam hy vọng sẽ đạt được trước vòng đàm phán đã không thành. Đồng thời, phái đoàn đàm phán Việt Nam cũng không thuyết phục được phía Mỹ lùi thời điểm áp dụng hạn ngạch đến đầu năm 2004.
Đến nay Việt Nam vẫn chưa xác định xong cơ chế phân bổ hạn ngạch xuất khẩu đi Mỹ. Theo một số doanh nghiệp, nếu áp dụng hạn ngạch từ ngày 1/4, việc xuất khẩu đi Mỹ có thể bị ách tắc trong một thời gian do không kịp phân bổ hạn ngạch.
Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu, Bộ dự định phân bổ hạn ngạch dệt may căn cứ trên kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp trong năm 2002. Phần còn lại Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp sẽ xem xét cấp thêm theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Đặng Hương (tổng hợp) |