“Cuộc đấu” tôm thẻ chân trắng - tôm sú
07:20' 28/04/2003 (GMT+7)
Tôm sú có đối thủ cạnh tranh mới.
Các DN sản xuất tôm thẻ chân trắng giống (Penaeus Vanamei), phần lớn là của Việt kiều, đã ồ ạt tung ra thị trường giống nuôi khảo nghiệm theo sự cho phép của Bộ Thuỷ sản. Diện tích nuôi tôm nước mặn, nước lợ với truyền thống nuôi tôm sú của Việt Nam năm nay đạt hơn nửa triệu ha. Một “cuộc đấu” đang diễn ra giữa tôm thẻ chân trắng và tôm sú.

 

Ông Trần Tony Phúc Thành, Việt kiều Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Asia Hawaii Venturres (AHV), 100% vốn của Mỹ hoạt động tại KCN Hoà Hiệp (Phú Yên), cho biết, tháng 7/2002, sau khi được phép của Bộ Thuỷ sản, AHV đã nhập tôm thẻ chân trắng bố mẹ từ đảo Hawaii về nuôi thử nghiệm ở Phú Yên. Kết quả, tôm thẻ chân trắng được dân nuôi tôm, ngành thuỷ sản địa phương đánh giá cao. Hiện nay, mỗi ngày AHV xuất bán cho nông dân nuôi tôm các tỉnh miền Trung hơn 1 triệu con tôm thẻ chân trắng giống.

 

“Năm nay AHV có thể cung cấp hơn 1 tỷ con tôm thẻ chân trắng giống, ước đạt 70-80 tỷ đồng”, ông Thành dự đoán.

 

Ông Trần Kia, Việt kiều Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Duyên Hải, Bạc Liêu, cũng có thể sản xuất 3 triệu con tôm giống mỗi ngày. Công ty đang xây dựng trại nuôi nhằm cung cấp 1 tỷ con tôm giống/năm, và chính công ty cũng nuôi gần 1.000ha tôm thẻ chân trắng thương phẩm. Theo Sở Thuỷ sản Bạc Liêu, không phải bây giờ, mà từ vụ nuôi tôm năm ngoái, nông dân trong tỉnh đã nuôi tôm thẻ chân trắng từ nguồn giống của công ty Duyên Hải.

 

Thống kê sơ bộ cho thấy, vụ tôm năm nay, lượng tôm thẻ chân trắng được thả nuôi ít nhất là 2/20 tỷ con tôm của nhu cầu trên cả nước. Như vậy, tôm thẻ chân trắng giống đã chiếm 10% diện tích thả nuôi tôm nước mặn, nước lợ. Tôm sú giống bị thiếu và giá luôn ở mức cao từ đầu vụ là lý do tôm thẻ chân trắng được nông dân chấp nhận.

 

Theo Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản (Bộ Thuỷ sản), tôm thẻ chân trắng có nguồn gốc từ Nam Mỹ, song hiện được nuôi rộng rãi ở nhiều nước, với nhiều ưu điểm so với con tôm sú. Thời gian nuôi ngắn hơn nhưng năng suất tương đương, chịu được độ mặn cao và có thể nuôi được trong cả nước mặn, ngọt và lợ; trong khi tôm sú chỉ sống ở nước lợ, nếu độ mặn lên cao tôm bị sốc. Khả năng kháng chịu bệnh tật của tôm thẻ chân trắng cao và điều kiện sinh sản cũng dễ hơn so với tôm sú.

 

“Hiện tại, một số nơi đã nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ có 3 tháng là cho thu hoạch, năng suất không kém tôm sú nuôi 4-6 tháng. Hơn nữa, ở Bạc Liêu đã nuôi thử nghiệm thành công tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt có nền đất nhiễm mặn, nên dễ mở rộng diện tích nuôi tôm này ở các tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau", TS. Hà Xuân Thông, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, cho biết.

 

Tuy nhiên, ông Trần Phú Tùng, Trưởng đại diện Bộ Thuỷ sản tại TP.HCM, cho rằng, hầu hết các DN chế biến xuất khẩu trong nước lại chưa dám mua tôm thẻ chân trắng làm nguyên liệu.

 

Ðiều khiến các Việt kiều đầu tư vào nuôi tôm thẻ chân trắng giống và tôm thương phẩm là do thị trường Mỹ ưa chuộng con tôm này. Theo ông Trần Kia, giá bán tôm thẻ chân trắng tại Mỹ luôn cao hơn tôm sú cùng kích cỡ. Năm 2001, tôm sú của Việt Nam xuất vào thị trường này giá dưới 10 USD/kg thì tôm thẻ chân trắng là hơn 12 USD/kg.

 

(Theo SGTT)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Khi Việt Nam mua lại thương hiệu nước ngoài (27/04/2003)
Nông nghiệp cần trên 3 tỷ USD vốn ODA (26/04/2003)
Bắt đầu xây Nhà máy thép Phú Mỹ (26/04/2003)
ING Bank rút khỏi Việt Nam vì SARS (26/04/2003)
Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao TP.HCM - lớn và công phu (26/04/2003)
Xây khu công nghiệp - đô thị lớn nhất miền Bắc (26/04/2003)
Bao giờ xe container có thể chạy mà không bị phạt? (26/04/2003)
TP.HCM đột phá trong quy hoạch GTVT (26/04/2003)
TP.HCM kỷ luật lãnh đạo nếu thực hiện CPH chậm trễ (26/04/2003)
540 tấn cá tồn đọng tại Hải Phòng (26/04/2003)
Giá vàng tăng mạnh (26/04/2003)
Thêm 2 văn phòng ngân hàng Mỹ tại Việt Nam (26/04/2003)
SBV thắt chặt việc xử lý tiền giả (26/04/2003)
GDP Hà Nội tăng 9,8% (26/04/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang