Chất lượng nhà chung cư đang bị buông lỏng
07:44' 29/04/2003 (GMT+7)
Nhà chung cư khang trang thế này không nhiều.

(VietNamNet) - ''Hiện tượng người sử dụng nhà chung cư tự ý đục phá, sửa chữa và cải tạo mà không cần xin phép cơ quan quản lý nhà xẩy ra càng ngày càng phổ biến. Cơ quan quản lý thì buông lỏng, không tiến hành kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhà, người sử dụng vi phạm nhưng cũng không bị xử lý kỷ luật đã làm cho hoạt động quản lý nhà mang tính hình thức''.

Một quan chức Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng đã phải thừa nhận như vậy tại Hội thảo Phát triển và Quản lý nhà chung cư do Bộ này tổ chức chiều 28/4, tại Hà Nội.

Thiếu chế tài xử lý

Theo quan chức nói trên, quỹ nhà chung cư được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau nhưng pháp luật lại chưa có những quy định cụ thể để quản lý. Các quy định chỉ mang tính chung chung, không phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan và cá nhân liên quan đến việc quản lý quỹ nhà. Quy định chưa đưa ra các chế tài cụ thể, các biện pháp để kiểm soát hoạt động của cơ quan quản lý nhà, đặc biệt là các cơ quan tự quản.

Theo Bộ Xây dựng, việc quản lý nhà chung cư sẽ được xã hội hoá và chuyên nghiệp hoá. Ban quản trị nhà chung cư sẽ giao cho các công ty quản lý chuyên nghiệp thực hiện chứ không để các chủ sở hữu tự làm. Nhà nước sẽ khuyến khích để thu hút nhiều DN tham gia quản lý nhà chung cư, tạo môi trường cho các DN hoạt động hiệu quả và cạnh tranh, hạ thấp phí dịch vụ cho người sử dụng chung cư.

Chẳng hạn, theo Quy chế mới nhất ban hành kèm theo Quyết định 10/2003 của Bộ Xây dựng, sau khi bán hoặc cho thuê được trên 80% tổng số căn hộ trong nhà chung cư thì chủ đầu tư mới đứng ra tổ chức Hội nghị nhà chung cư, bầu Ban quản trị. Tuy nhiên, tồn tại ở nhiều chung cư hiện nay là nhiều căn hộ không có người ở ngày này qua ngày khác thì liệu có tìm ra chủ sở hữu tính vào 80% để tổ chức Hội nghị nhà chung cư hay không?

Quy chế mới về quản lý nhà chung cư có quy định cấm các hành vi đục phá, sửa chữa nhà chung cư sai nguyên tắc và sai quy chuẩn nhưng vẫn thiếu chế tài cụ thể để bảo đảm thực hiện. Ngay tại Hà Nội, khó tìm thấy chung cư nào không có nhà cơi nới trái phép trong khi tại nhiều nhà chung cư, người ta vẫn đang ngang nhiên đục phá, cơi nới. Tình trạng lộn xộn trong quy hoạch, sửa chữa cải tạo nhà chung cư để lại hậu quả không biết đến bao giờ mới khắc phục được?!

Báo động về quản lý chất lượng

Theo quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 17/2000 của Bộ Xây dựng, những công trình xây dựng mới, đơn vi tư vấn thiết kế phải lập quy trình bảo trì công trình. Những công trình đang sử dụng thì chủ sở hữu (hoặc chủ quản lý) phải thuê đơn vị tư vấn có chức năng đánh giá hiện trạng chất lượng để lập quy trình bảo trì.

Nhưng trên thực tế, theo ông Phạm Cao Nguyên, Giám đốc Sở địa chính Nhà đất Hà Nội, tại các nhà chung cư cao tầng đang khởi công xây dựng, các đơn vị tư vấn hầu như chưa lập được quy trình bảo trì công trình do quy chuẩn, quy phạm xây dựng chưa quy định thời hạn thay thế, sữa chữa các bộ phận cấu kiện của công trình. Chẳng hạn như bao nhiêu lâu quét vôi, sơn cửa một lần, thời gian một lần sửa chữa hay thế thế cửa, gạch lát sàn, thiết bị vệ sinh...? Các nhà sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng cũng không có quy định thời hạn sửa chữa, thay thế sản phẩm.

Chính vì vậy, việc lập quy trình bảo trì công trình cũng như việc tính đủ các chi phí của người  mua nhà, phải trả trong suốt quá trình sử dụng là vô cùng khó khăn. Các nhà đầu tư, Ban quản trị cũng như người mua nhà hầu như chưa xác định được những chi phí này. Trong khi đó, giá cho thuê nhà theo Quyết định số 118/TTg năm 1993 hiện nay không đủ để chi phí cho công tác quản lý và bảo dưỡng nhà; ngân sách Nhà nước lại không được đầu tư nên các hư hỏng nhà đã không được sửa chữa kịp thời dẫn đến chất lượng nhà chung cư xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Nguyên kiến nghị Bộ Xây dựng sớm quan tâm hoàn chỉnh quy chế quản lý khai thác khu đô thị mới, tiêu chuẩn xây dựng, thiết kế thi công và quản lý chất lượng ở căn hộ chung cư cao tầng...

  • Văn Tiến
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nhân viên Vietnam Airlines nghiêm túc rút kinh nghiệm... (28/04/2003)
Nga áp thuế nhập khẩu đặc biệt với gạo Việt Nam (28/04/2003)
Thái Bình sẽ có những cánh đồng "50 triệu" (28/04/2003)
Cán bộ UBCKNN vẫn không được mua bán cổ phiếu (28/04/2003)
Sản lượng cà phê Đăk Lăk giảm mạnh (28/04/2003)
Cần mạnh tay với bên phá HĐ bao tiêu nông sản (28/04/2003)
Kinh doanh hàng miễn thuế phải nối mạng với hải quan (28/04/2003)
Giá nhiều mặt hàng đứng ở mức cao (28/04/2003)
4 tháng, TP.HCM thu 2,4 tỷ USD từ xuất khẩu (28/04/2003)
Ký kết Hiệp định dệt may Việt - Mỹ (28/04/2003)
“Cuộc đấu” tôm thẻ chân trắng - tôm sú (28/04/2003)
Khi Việt Nam mua lại thương hiệu nước ngoài (27/04/2003)
Nông nghiệp cần trên 3 tỷ USD vốn ODA (26/04/2003)
Bắt đầu xây Nhà máy thép Phú Mỹ (26/04/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang