''Tôi dự đoán, tâm lý hoảng sợ dịch bệnh SARS còn tiếp diễn. Tổng cục Du lịch nên hợp đồng với một công ty giao tế chuyên nghiệp để đưa ra thông báo chính thức, đúng lúc với giới truyền thông quốc tế về những thông tin xác thực cho thấy, Việt Nam một lần nữa là một điểm đến an toàn cho du khách. Tổng cục nên tranh thủ lúc này công bố một khẩu hiệu mới cho ngành du lịch quốc gia, chứng tỏ sự lạc quan tin tưởng du lịch Việt Nam sẽ hồi phục nhanh chóng'' - Ông Paul Stoll, Tổng Giám đốc khu nghỉ mát Furama - Đà Nẵng, nói.
Theo ông Paul Stoll, Tổng cục cũng nên phối hợp với Hãng Hàng không Việt Nam và doanh nghiệp trong trong ngành du lịch thực hiện một chuyến phát động hình ảnh, dùng máy bay thuê bao đến Paris, London, Berlin, Vienna, Geneva, Amsterdam, Rome, Tokyo, Sydney và Melbourne. Tại mỗi thành phố cùng công ty giao tế tổ chức họp báo, triển lãm sản phẩm du lịch.
''Tôi tin rằng những hoạt động này sẽ kích thích ngành kinh doanh lữ hành quốc tế quảng bá Việt Nam và thể hiện Việt Nam là một điểm đến du lịch năng động'', ông này nói.
Làm gì để vượt qua những khó khăn do SARS gây ra? Chuẩn bị gì ngay từ bây giờ cho những phát triển thời "hậu SARS"? Đây là những vấn đề các nhà kinh doanh, các nhà quản lý trong lĩnh vực du lịch đang bàn bạc thảo luận. Dưới đây là một vài ý kiến.
- Ông Paul Levrier, Giám đốc điều hành Công ty Destination Asia tại Việt Nam:
Đây là một khoảng thời gian tốt để các đối tác kinh doanh du lịch: hàng không, lữ hành, khách sạn... kết hợp nhau cùng vượt qua khó khăn. Ngay bản thân hãng lữ hành của chúng tôi nhân cơ hội này dành thêm thời gian huấn luyện nhân viên các kỹ năng, nâng cấp thêm các hoạt động, chất lượng tour, các sản phẩm du lịch để khi khủng hoảng qua đi chúng tôi lại phát triển tốt hơn.
- Bà Vĩnh Thị Lan Hương, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Hãng lữ hành quốc tế Exotissimo Travel Việt Nam:
40% hợp đồng của cả năm đã bị huỷ bỏ. Hiện giờ các văn phòng của chúng tôi ở Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Thái Lan hàng ngày phải cập nhật thông tin về tình hình SARS của Việt Nam và bằng mọi cách gửi cho khách, đối tác những thông tin này. Chúng tôi cũng đang liên kết với các hãng Hàng không, khách sạn... để đưa ra các gói tour khuyến mãi. Tôi cho rằng trong tình hình này Tổng cục Du lịch nên phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam ở các nước có nguồn khách chính, mời các nhà tổ chức du lịch, tạp chí chuyên ngành, giới truyền thông... đến Việt Nam tham quan du lịch và nhờ họ quảng bá cho du lịch Việt Nam. Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến an toàn, Tổng cục phải tiếp tục quảng bá để duy trì hình ảnh này nơi du khách. Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cũng nên có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp làm du lịch vượt qua khó khăn này vì hiện nay hầu hết họ đang phải cho nhân viên nghỉ việc hoặc làm bớt giờ... Các biện pháp này sẽ rất tốn kém nhưng theo tôi đây là việc phải làm để chuẩn bị cho mùa du lịch năm sau.
- Ông Henk Meyknecht, Tổng Giám đốc khách sạn Omni Saigon:
Theo tôi, để có thể vượt qua khó khăn này phải thực hiện 4 điểm: tất cả các bên liên quan phải cùng với hãng hàng không, hãng lữ hành, Tổng cục Du lịch... thực hiện chiến dịch quảng bá hình ảnh du lịch của Việt Nam ở thị trường nước ngoài; mời giới truyền thông chuyên ngành đến Việt Nam; cải tiến thủ tục cấp visa và quan trọng hơn hết là chuẩn bị một chính sách giá để cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực sau khi dịch SARS qua đi. Tất nhiên không thể hạ giá ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu của du lịch Việt Nam nhưng phải nghiên cứu giá gói tour thật hấp dẫn để thu hút du khách. Vì trong khoảng thời gian này các nước láng giềng cũng sẽ có những biện pháp để vực dậy nền kinh tế du lịch quốc gia.
- Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Viettravel:
Giá sản phẩm du lịch của Việt Nam nhìn chung đã tăng lên từ cuối năm 2002 khi lượng khách vào nhiều, nhưng nay khách vào đã ít hơn rất nhiều mà giá lại chẳng giảm. Trong khi đó ngay bên cạnh chúng ta, Thái Lan đã đồng loạt hạ giá phòng, giá tour... để thu hút thêm nhiều khách du lịch. Bên cạnh đó Tổng cục du lịch, Chính phủ Thái đã chính thức thông báo họ đã kiểm soát được SARS. Trong năm nay Chính phủ đã phê duyệt ngân sách 450 tỷ đồng cho ngành du lịch. Tổng cục nên dùng ngay một phần nguồn ngân sách này để tuyên truyền với thế giới về khả năng kiểm soát bệnh dịch SARS tại Việt Nam, tạo tâm lý an toàn cho du khách và khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn. Tự thân các công ty lữ hành thuyết phục đối tác sẽ không đủ và không hiệu quả bằng Tổng cục.
(Theo Tuổi trẻ) |