(VietNamNet) - Sáng mai (3/5), Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XI sẽ khai mạc và một vài ngày tới sẽ đem chuyện kiểm toán đi hay ở lại Chính phủ ra bàn bạc. Rất nhiều khả năng Hệ thống kiểm toán Nhà nước sẽ chuyển về trực thuộc Quốc hội. Bởi đa số ý kiến cho rằng ''... do không có cơ quan Kiểm toán trực thuộc nên Quốc hội và các cơ quan của họ thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước từ trước tới này chỉ mang tính hình thức''.
|
Quốc hội có quyền tiến hành kiểm toán việc sử dụng ngân sách nhà nước khi đầu tư cho các công trình quốc gia. |
Chương trình kỳ họp lần này sẽ xem xét và quyết định lần cuối về địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước trực thuộc. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ có nhiệm vụ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức cơ quan Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Quốc hội.
Các ý kiến đồng thuận với việc này đều cho rằng, ''căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội trong lĩnh vực ngân sách nhà nước (đã được quy định trong Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và Luật Ngân sách Nhà nước), việc tổ chức cơ quan kiểm toán làm nhiệm vụ chuyên môn giúp Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội trong việc thẩm tra, quyết định dự toán Ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách TW, giám sát việc chấp hành ngân sách nhà nước và phê chuẩn Tổng quyết toán ngân sách nhà nước là hết sức cần thiết''.
Theo đề nghị của Uỷ ban kinh tế và Ngân sách lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, bộ máy Kiểm toán Nhà nước gồm Tổng Kiểm toán, các Phó Tổng Kiểm toán (sẽ do Quốc hội bầu và miễn nhiệm). Kiểm toán Nhà nước có các đơn vị cấp vụ (vụ, viện, văn phòng...) và các đơn vị Kiểm toán Nhà nước khu vực. Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo của các đơn vị này.
Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập để giúp Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội trong việc xem xét, quyết định ngân sách nhà nước; trong việc thẩm tra dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ Ngân sách Nhà nước, dự toán các công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định; trong việc thẩm tra và trình Quốc hội phê chuẩn Tổng quyết toán ngân sách nhà nước, giám sát việc chấp hành ngân sách nhà nước.
Nghiên cứu tổ chức Kiểm toán Nhà nước của các nước trên thế giới cho thấy: Trong số 55 nước thì 30 nước có kiểm toán nhà nước trực thuộc quốc hội (55%); 7 nước có kiểm toán nhà nước trực thuộc chính phủ (13%); 9 nước có kiểm toán nhà nước trực thuộc tổng thống 16%; 3 nước có kiểm toán thuộc hệ thống tư pháp (5%); 2 nước có kiểm toán độc lập (không thuộc lập pháp, hành pháp hoặc tư pháp).
Nguồn: Văn phòng Quốc hội. |
Cơ quan kiểm toán sẽ tiến hành các nhiệm vụ: Kiểm toán việc sử dụng ngân sách nhà nước ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và các địa phương theo quy định của pháp luật; Theo yêu cầu của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tiến hành kiểm toán việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho các công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định; Kiểm toán việc sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các DNNN; Giúp Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong việc xem xét, thẩm tra dự toán NSNN, báo cáo Tổng quyết toán ngân sách nhà nước do Chính phủ trình Quốc hội; Trên cơ sở kết quả kiểm toán, nêu đề xuất kiến nghị với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội về chính sách tài chính, dự toán Ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và báo cáo quyết toán NSNN; Tham gia phục vụ hoạt động giám sát do uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội tổ chức về việc chấp hành ngân sách nhà nước, việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực ngân sách nhà nước; Báo cáo kết quả kiểm toán với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và cơ quan khác theo quy định của pháp luật; Thực hiện kiểm toán khi Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ có yêu cầu; Thông qua hoạt động kiểm toán, đề nghị với các đơn vị được kiểm toán sửa chữa những sai sót, vi phạm để chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, kế toán của đơn vị; kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý những vi phạm chế độ kế toán, tài chính của Nhà nước; đề xuất sửa đổi, cải tiến các cơ chế, chính sách quản lý tài chính, kế toán cần thiết.
Kiểm toán Nhà nước có quyền độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm toán của mình. Khi thực hiện nhiệm vụ, cơ quan Kiểm toán Nhà nước được quyền yêu cầu cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết; được đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giám định về mặt chuyên môn hoặc làm tư vấn khi cần thiết.
Vài nét về hệ thống kiểm toán Việt Nam
Ở Việt Nam, tổ chức và hoạt động của kiểm toán (ngoài kiểm toán nội bộ trong đơn vị, tổ chức) được hình thành dưới 2 hình thức: Công ty kiểm toán (còn gọi là kiểm toán độc lập) làm dịch vụ kiểm toán và cơ quan Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Chính phủ.
Các công ty kiểm toán được thành lập và hoạt động trên cơ sở Nghị định số 07/CP ngày 29/1/1994 của Chính phủ để kiểm tra và xác nhận tính đúng đắn, hợp lý của các tài liệu, số liệu kế toán và báo cáo quyết toán của các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội (gọi tắt là các đơn vị kế toán). Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập.
Kiểm toán Nhà nước được thành lập theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ để giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế Nhà nước và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội sử dụng kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp.
Luật NSNN ban hành năm 1996 quy định Kiểm toán Nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc tổ chức kiểm toán, quyết toán ngân sách Nhà nước trước khi trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn. Cơ quan Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm báo cáo kết q uả kiểm toán với Chính chủ, báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi có yêu cầu.
Luật NSNN sửa đổi năm 2002 quy định cơ quan Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm toán với Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính chủ và cơ quan khác theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp quyết toán ngân sách chưa được Quốc hội, Hội đồng nhân dân phê chuẩn thì Chính phủ, Uỷ ban nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán phải tiếp tục làm rõ những vấn đề Quốc hội, Hội đồng nhân dân yêu cầu để trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân vào thời gian do Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định.
Thời gian qua, để có thêm căn cứ thẩm tra Tổng quyết toán ngân sách nhà nước, hàng năm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước gửi ý kiến của mình về vấn đề này trên cơ sở các kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách ở các đơn vị, nhưng việc này còn rất hạn chế do vị trí pháp lý của Kiểm toán Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước hiện nay không có thẩm quyền kiểm toán Tổng quyết toán ngân sách nhà nước do Chính phủ trình Quốc hội. Do không có cơ quan Kiểm toán trực thuộc nên Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước còn mang nặng tính hình thức.
|