Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn nhất Đông Nam Á
09:19' 03/05/2003 (GMT+7)

Giám đốc điều hành Indochina Cappital Corporation, ông Peter Ryder, từng hai năm nắm giữ cương vị chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam và hiện là phó Chủ tịch AmCham tại Hà Nội. Bất chấp hậu quả của cuộc chiến Iraq dịch SARS khiến đầu tư - du lịch giảm sút mạnh tại Đông Nam Á, ông Peter Ryder đã có bài trả lời phỏng vấn đầy lạc quan về sự phát triển của Việt Nam.

Indochina Cappital Corporation là nhà tài trợ và điều hành chính của các dự án lớn như khu nghỉ mát Furama ở Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Pháp tại khu đô thị Nam Sài Gòn...

Ông Peter Ryder nói: ''Thật là không may khi chúng ta đang phải hứng chịu đại dịch SARS. Nhưng từ sự thành công của Furama, chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào sự phát triển của du lịch Việt Nam. Tôi tin rằng kể cả không có Hiệp định thương mại Việt - Mỹ thì du lịch của Việt Nam vẫn rất phát triển. Tiềm năng ngành này chưa thật sự được khai thác hết''.

- Như vậy là công ty của ông vẫn đang mở rộng hoạt động của mình tại Việt Nam?

- Tôi đã gắn bó với Việt Nam được 11 năm rồi, và tôi có thể hiểu các nhà đầu tư phàn nàn những điều gì. Chúng tôi gặp rắc rối nhiều nhất với các thủ tục hành chính, thí dụ như việc sử dùng đất. Dự án Bệnh viện Việt Pháp tại Nam Sài Gòn của chúng tôi đã mất đúng một năm rưỡi chỉ để lo các thủ tục về đất đai, tái định cư. Trong khi đó nếu đầu tư vào Trung Quốc, với một dự án trị giá 200 triệu USD như dự án này thì Chính phủ tự nguyện giao đất hoàn toàn cho nhà đầu tư và tự chi trả mọi chi phí giải tỏa đất.

Sở dĩ chúng tôi chọn Hội An là nơi đầu tư cho khu nghỉ mát cao cấp là bởi chính quyền địa phương ở đó tạo rất nhiều ưu đãi trong việc sử dụng đất, như thời gian nhà đầu tư được sử dụng đất dài hơn nơi khác, thời gian miễn thuế cũng lâu hơn và hỗ trợ tích cực trong việc giải tỏa đất. Tôi được nghe rằng ở Đà Nẵng sắp áp dụng chính sách tự chịu chi phí giải tỏa đất từ ngân sách. Đó là một tín hiệu rất tích cực.

Vậy lý do để ông lạc quan về môi trường đầu tư của Việt Nam?

- Những điều tôi vùa nói trên là những điều dễ khiến nhà đầu tư nản lòng nhất. Nhưng nếu nhìn trên một bức tranh tổng quát thì có thể khẳng định Việt Nam là điểm đầu tư tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tôi nghĩ Việt Nam có nhiều lợi thế mà chính những người trong cuộc chưa nhận thức được thấu đáo và để cơ hội tuột khỏi tầm tay. Trước hết, về con người. Lao động ở Việt Nam thật sự rất cần cù và sáng tạo. Về vị trí địa lý, Việt Nam ở vào địa thế khá trung tâm của châu Á. Về tài nguyên, không nơi đâu lại có sự kết hợp phong phú giữa tài nguyên dầu mỏ và tài nguyên nông nghiệp như ở Việt Nam. Ngoài ra, con người nơi đây sống rất hòa hợp với nhau, không có sự xung đột về tôn giáo - văn hóa như một số nước khác trong vùng. Thị trường Việt Nam lại dễ xâm nhập hơn bất cứ ở đâu. Ở Malaysia, Thái Lan hay Indonesia, một vài công ty gốc Trung Quốc theo kiểu "gia đình trị" đang thống trị hoặc kiểm soát những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Các công ty lớn của nước ngoài cũng khó mà chen chân.

Bất chấp những lợi thế mà ông vừa đề cập, Việt Nam đang phải đối mặt rất lớn với sự cạnh tranh từ Trung Quốc?

Trung Quốc vừa là địa điểm đầu tư được chú ý nhất trên thế giới hiện giờ, lại vừa là nhà xuất khẩu đầy tiềm năng ở mọi lĩnh vực. Tuy nhiên tôi thấy rằng chính trong môi trường cạnh tranh này, Việt Nam lại có thể hưởng lợi rất nhiều qua việc tăng cường giao thương với Trung Quốc. Trong lĩnh vực xuất khẩu, Việt Nam phải xác định được các ưu thế của mình, xuất khẩu những mặt hàng vốn không phải là lợi thế của Trung Quốc. Nếu như người ta cần 100.000 áo sơ-mi trơn, nhất định họ sẽ nghĩ tới Trung Quốc. Hàng của Trung Quốc chất lượng và giá rẻ hơn bất kỳ nước nào trong khu vực. Nhưng nếu người ta cần 100.000 áo sơ-mi thêu thì đó là cơ hội của Việt Nam. Các bạn hoàn toàn có đủ nhân công lành nghề và kỹ năng để sản xuất những chiếc áo thêu giá rẻ hơn của Trung Quốc.

Tương tự trong lĩnh vực được nói nhiều đến là công nghệ thông tin. Nếu như cứ rập khuôn theo mô hình sản xuất phần cứng, chế tạo máy của Trung Quốc hẳn Việt Nam sẽ rất chật vật để cạnh tranh. Nhưng nếu nói về phần mềm, lập trình thì Việt Nam hoàn toàn có lợi thế hơn hẳn. Ở Việt Nam, thật dễ dàng tìm được kỹ sư phần mềm có trình độ mà lương đòi hỏi lại thấp hơn ở các nước khác. Như vậy, Việt Nam cần chú trọng đến các mặt hàng có giá trị gia tăng, lúc đó cạnh tranh với Trung Quốc không còn là mối lo ngại.

(Theo Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Lượng khách nước ngoài đến TP.HCM bắt đầu phục hồi (03/05/2003)
60 gian hàng Việt Nam tại hội chợ quốc tế Paris (03/05/2003)
''Quên" Quỹ Hỗ trợ cổ phần hoá (03/05/2003)
Kiểm toán Nhà nước sẽ ''về tay'' Quốc hội? (02/05/2003)
Du lịch Việt Nam bùng nổ thời hậu SARS (02/05/2003)
Giảm 50% giá vé máy bay đến Nhật Bản và Australia (02/05/2003)
Đủ cơ sở pháp lý cho Kasvina phá sản (02/05/2003)
Khu bảo thuế tại cửa khẩu được nhiều ưu đãi về thuế (02/05/2003)
Sicedco xây dựng cao ốc Bình Phú 1 (02/05/2003)
Thực phẩm nội chiếm lĩnh... dạ dày người Việt Nam (02/05/2003)
Khuyến cáo đặc biệt đối với doanh nghiệp dệt may (02/05/2003)
DNNN tiếp tục được giãn nợ (02/05/2003)
Hơn 7 triệu EUR hỗ trợ ngành lâm nghiệp ngoài gỗ (02/05/2003)
Giải ngân 800 tỷ cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm (02/05/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang