(VietNamNet) - Trước ảnh hưởng của chiến tranh Iraq và dịch bệnh SARS, kinh tế Việt Nam sẽ phải tăng tốc thế nào trong 8 tháng còn lại để giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra cho cả năm 2003(7-7,5%)? Việc tăng giá theo lương của một số mặt hàng thiết có phải là tình trạng lạm phát khó kiểm soát? Chính sách giảm thuế của Chính phủ có làm ảnh hưởng đến tổng thu ngân sách? Những câu hỏi này đã được báo chí đặt ra với Phó Thủ tướng Vũ Khoan bên hành lang Quốc hội sáng nay (3/5).
|
Phó Thủ tướng Vũ Khoan trả lời báo chí. Ảnh: Nguyên Vũ |
- Thưa Phó Thủ tướng, tình hình phát triển kinh tế của chúng ta trong thời gian còn lại còn lại có khả quan không? Liệu năm 2003 có đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5% như kế hoạch?
- Sự tăng trưởng kinh tế của chúng ta trong 4 tháng đầu năm 2003 vượt qua những khó khăn thách thức đã được cả thế giới ghi nhận. Thế nhưng Chính phủ cũng chưa hết lo lắng vì những thử thách do ảnh hưởng của chiến tranh Iraq và dịch bệnh SARS vẫn chưa hết. Thứ nhất tuy chúng ta không chịu ảnh hưởng trực tiếp của cuộc chiến tranh Iraq nhưng vì đó là thị trường khá lớn, nên chúng ta cũng chịu thiệt hại khá lớn.
Thứ hai, bước đầu chúng ta đã có thành công ngăn chặn được đối với dịch SARS, nhưng ảnh hưởng của nó đến du lịch và hàng không thì không phải một sớm, một chiều mà khắc phục được. Riêng trong tháng 4 vừa rồi doanh thu hai ngành này có thể giảm tới một nửa. Tình hình này lại ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đến thu nhập, đến GDP của đất nước. Thứ ba là thiên tai, vừa rồi chúng ta bị thiên tai rất nặng, ảnh hưởng rất nhiều đến nông nghiệp, và mục tiêu phát triển kinh tế không đạt được là do nông nghiệp, chứ công nghiệp chúng ta phát triển tốt và dịch vụ mới giảm trong tháng 4 thôi. Ba yếu tố đó đang đặt chúng ta trước những khó khăn phải cố gắng hết sức quyết liệt thì mới khắc phục được, và cố duy trì đà tăng trưởng và những mục tiêu chúng ta đề ra. Những tháng cuối năm, tôi không bi quan nhưng rất muốn nhấn mạnh: yêu cầu phấn đấu phải cao hơn rất là nhiều so vớI những tháng đầu năm này thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng.
- Một trong những yếu tố cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam là giá. Thế nhưng, khi các yếu tố đầu vào lại quá cao, trong đó có điện. Lộ trình tăng giá điện như vậy có mâu thuẫn hay không với việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá?
- Thực ra trong giá đầu vào có nhiều mặt chú không chỉ có điện. Và đầu vào của ngành này lại là đầu ra của ngành kia, có mối liên quan mật thiết với nhau giữa các ngành. Ngành điện mà không phát triển thì cũng sẽ ảnh hưởng đến mọi ngành khác. Và ngành điện cũng phải chịu ảnh hưởng nhiều của các yếu tố đầu vào, cũng phải nhập dầu, nhập than, giá đầu vào. Thực ra trong giá đầu vào có nhiều yếu tố chứ không chỉ có điện. Và đầu vào của ngành này lại là đầu ra của ngành kia, có mối liên quan mật thiết với nhau giữa các ngành. Ngành điện mà không phát triển thì cũng sẽ ảnh hưởng đến mọi ngành khác. Và ngành điện cũng phải chịu ảnh hưởng nhiều của các yếu tố đầu vào, cũng phải nhập dầu, nhập than, giá đầu vào cũng chịu như các ngành khác. Vì vậy nếu muốn giảm giá đầu vào cần phải tìm cách giảm ở nhiều yếu tố… Mỗi một mặt hàng một sản phẩm phải tìm ra nó chưa hợp lý ở khâu nào thì tìm cách giảm bớt đi để bù vào những cái đầu vào mà do khách quan bị tăng lên ngoài ý muốn của doanh nghiệp như xăng dầu, điện,… Đó là con đường chúng ta phải đi, chứ không phải bắt các ngành khác phải giảm giá cho ngành của mình. Đây cũng là cân đối chung của nền kinh tế, mỗi ngành đều có nhu cầu của nó.
- Từ cuối năm 2002 đến gần đây, các chỉ số tiêu dùng tăng cao và theo tính toán thì chúng ta đang ở mức lạm phát 0,5% - mức lạm phát có thể coi là cao nhất trong những năm trở lại đây. Phó Thủ tướng có ý kiến như thế nào về điều này?
- Tôi cho rằng điều đó không có gì đáng lo. Thực tế đó cũng không phải là lạm phát, đó là sự tăng giá có tính toán chứ không phải là lạm phát mất kiểm soát. Tình hình vẫn nằm trong mức độ Quốc hội cho phép. Không nên cho đó là lạm phát.
- Vừa rồi, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo về Sửa đổi, điều chỉnh chính sách thuế. Việc điều chỉnh như vậy có làm ảnh hưởng đến tổng thu ngân sách?
- Để tăng nguồn thu, theo lý luận kinh tế thì có hai còn đường, một là giảm thuế để khuyến khích sản xuất, hai là tăng thuế để tăng nguồn thu. Cả hai con đường đều nhằm mục đích để tăng thu cả thôi. Nhưng chúng ta chọn con đường giảm thuế để khuyến khích sản xuất, tức là nuôi dưỡng nguồn thu. Như vậy, diện người đóng thuế sẽ tăng lên, các doanh nghiệp làm ăn tốt hơn, khiến tổng nguồn thu có thể cao hơn. Do đó chúng ta cùng một lúc sẽ điều chỉnh cả thuế giá trị gia tăng, cả thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, để trên một mặt bằng đó sẽ điều hoà. Mục tiêu thứ hai của việc điều chỉnh các mức thuế là để phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Vì chúng ta trong quá trình hội nhập phải giảm các mức thuế nhập khẩu rất nhiều. Chỉ tiếc rằng thuế nhập khẩu của nước ta theo truyền thống lại chiếm một tỷ trọng quá cao trong thu ngân sách. Cho nên chúng ta phải điều chỉnh thuế sản xuất nội địa bù vào ngân sách để giảm bớt mức thuế nhập khẩu. Con đường đi là như vậy chứ không phải chúng ta giảm thuế để giảm thu.
|