|
Cách phân bổ hạn ngạch của Bộ Thương mại luôn là vấn đề gây tranh cãi |
Trước khi ra quyết định phân bổ hạn ngạch và thủ tục cấp thị thực, Bộ Thương mại đã có văn bản hướng dẫn xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ. Theo đó, để có cơ sở đối chiếu phân hạn ngạch, các doanh nghiệp phải báo cáo chi tiết về lượng hàng xuất khẩu được vào thị trường Mỹ từ đầu năm đến ngày 4/5.
Từ ngày 5/5 đến 30/6, tất cả các lô hàng xuất sang Mỹ thuộc chủng loại bị giới hạn số lượng khi làm thủ tục hải quan phải xuất trình giấy chứng nhận xuất khẩu (do các phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực thuộc Bộ Thương mại hoặc các cơ quan được bộ này ủy quyền cấp).
Từ ngày 1/7, các lô hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ đều phải có thị thực do phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực cấp. Bộ Thương mại cũng khuyến cáo doanh nghiệp không được sử dụng giấy chứng nhận xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ để xuất hàng của nước khác và ngược lại.
Một vấn đề hiện đang được giới doanh nghiệp dệt may quan tâm là việc phân bổ hạn ngạch. Ông Diệp Thành Kiệt, Tổng thư ký Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, đã kiến nghị một số giải pháp.
- Ông đề nghị những giải pháp nào cho việc phân bổ hạn ngạch vào thị trường Mỹ?
- Theo tôi, trước hết nên phân bổ tập trung vào mặt hàng. DN nào có dưới 250 máy may thì chỉ nên phân bổ hạn ngạch theo một mặt hàng. Mặt hàng ở đây cần hiểu là chủng loại sản phẩm ,chứ không nên hiểu theo nghĩa category thông thường. Tức là, nếu DN nào chuyên may quần thì chỉ được phân bổ hạn ngạch theo sản phẩm quần, bất kể đó là quần ngắn hay quần dài. Còn DN chuyên may áo thì sản phẩm áo có thể là áo dài tay, ngắn tay, cotton hay bất kỳ chất liệu nào cũng được, miễn là chỉ may áo.
Và việc phân bổ sẽ dựa theo cấp số nhân: nếu DN có 250-500 máy sẽ được phân tối đa hai mặt hàng, 500-1.000 máy ba mặt hàng, và trên 1.000 máy có tối đa bốn mặt hàng.
Thứ hai là phân bổ theo trọng tâm thị trường. Trước đây thị trường chính của ngành dệt may là EU và các nước không áp dụng hạn ngạch ở khu vực châu Á. Nay thị trường Mỹ đang là tâm điểm của mọi đơn hàng. Những DN nào có số lượng máy may ít quá, chẳng hạn như dưới 250 máy, cần phải có sự lựa chọn dứt khoát: hoặc là thị trường này, hoặc là thị trường kia. Không thể chọn mỗi nơi một nhúm. Riêng đối với DN quy mô lớn, việc chia nhiều thị trường để cân đối cũng như xoay xở trong tình thế thị trường bị khó khăn là điều hiển nhiên không có gì bàn cãi.
Thứ ba là số lần phân bổ hạn ngạch trong năm. Theo tôi, nên chăng chỉ phân bổ hai lần/năm. Nguyên nhân là đơn hàng làm cho Mỹ lẫn châu Âu đều theo mùa. Mùa đông nhà nhập khẩu đặt hàng vào tháng 2, mùa hè vào tháng 7. Phân bổ trong khoảng tháng giêng và tháng 6 cho hai mùa là thích hợp.
Thứ tư, trong quá trình phân bổ hạn ngạch, nhất thiết phải xem xét thật kỹ các yếu tố liên quan giá trị gia tăng của mặt hàng xuất, nhãn hiệu hàng xuất và các ảnh hưởng khác có liên quan đến giá trị xuất khẩu. Không có lý do gì cơ quan hữu trách lại không ưu tiên cho những DN có năng lực cung ứng hàng cho các nhà phân phối thương hiệu tên tuổi, có giá trị xuất khẩu cao, những DN nhận hợp đồng theo giá FOB hơn là DN nhận làm gia công. Cần phải xác định rõ: DN nào xuất một áo sơmi với thương hiệu Tommy chắc chắn sẽ có giá trị hơn rất nhiều so với DN xuất một sản phẩm không có tên tuổi.
- Về công tác chuẩn bị hạn ngạch, theo ông, nên như thế nào?
- Tôi đề xuất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại nên lập hẳn một đoàn kiểm tra năng lực sản xuất thực tế của DN, trong đó, thành viên của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) hiện diện với tư cách giám sát thực tế, chứ không phải giám sát hình thức. Có đi kiểm tra thực tế mới biết được năng lực thực sự của DN.
Đồng thời khi rà soát đề nghị được cấp hạn ngạch từ phía DN, cơ quan hữu quan cần thiết phải thông qua sự xác nhận của Vitas, hoặc chi hội địa phương xem đơn vị này có nhà máy sản xuất và những mặt hàng chính đang sản xuất là gì.
Bên cạnh đó, nên công khai số lượng phân bổ hạn ngạch cho từng DN trên mạng của Bộ Thương mại khi đã có kết quả, không chỉ số lượng hạn ngạch được phân bổ mà còn kèm cả năng lực sản xuất, mặt hàng chính là gì, số lượng hạn ngạch phân bổ là cat. (category) nào, số lượng được phân từng lần... để mọi DN đều có thể tự kiểm tra lẫn nhau một cách công bằng.
Riêng việc cấp hạn ngạch tự động, tôi cho rằng với thị trường Mỹ không nên áp dụng chế độ này, bởi chỉ có các đầu nậu chuyên chạy hạn ngạch hưởng lợi. Đặc biệt, với quy mô của các DN có vốn đầu tư nước ngoài, cuộc chạy đua giữa DN trong nước với khối DN này hoàn toàn không cân sức. Việc điều phối hàng ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài luôn nhanh hơn DN Việt Nam, cho nên, chọn cách phân bổ tự động đối với thị trường Mỹ là rất bất lợi. Đồng thời nên duy trì việc thu phí hạn ngạch. Chi phí này sẽ được đưa vào quỹ hỗ trợ DN xuất vào thị trường phi hạn ngạch, cụ thể là ở Nhật, Đài Loan, Hongkong, Singapore...
(Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên)