(VietNamNet) - Cơ quan Lương thực quốc gia (NFA) của Philippines vừa thông báo sẽ tổ chức đấu thầu nhập khẩu ít nhất 137.500 tấn gạo vào ngày 15/5. Trước đó một ngày, Cơ quan Lương thực Nhật Bản (JFA) cho biết, sẽ tiến hành đấu thầu mua 25.000 tấn gạo vào ngày 30/5.
Philippines
Đối tượng tham gia cuộc đấu thầu của Philippines là các công ty xuất khẩu gạo nước ngoài, hoặc các công ty Philippines do phía nước ngoài ủy nhiệm. Loại gạo cần mua là gạo trắng hạt dài, 15% tấm và 25% tấm có nguồn gốc từ Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan, đóng gói trong bao polypropylene loại 50 kg tịnh. NFA dự kiến sẽ chi 28,5 triệu USD để mua số gạo này.
Tối thiểu 50% khối lượng gạo thắng thầu phải được giao vào tháng 5 hoặc tháng 6, số còn lại vào tháng 7, tức là trước thời kỳ giáp hạt của Philippines (từ tháng 7 đến tháng 11). Tàu vận chuyển phải có trọng tải tối đa 15.000 tấn.
Thông báo chính thức là như vậy. Nhưng cũng trong ngày 29/4, Phó Chủ tịch NFA Gregorio Tan tuyên bố: "Theo tôi hiểu, NFA có thể sẽ hủy bỏ đấu thầu, nếu thỏa thuận được với Thái Lan về việc mua 200.000 tấn gạo trước ngày 15/5". Cuộc thương lượng với Thái Lan đã kéo dài và khá căng thẳng, vì đến nay hai bên vẫn chưa thể thống nhất về giá.
Philippines đã đề nghị mua gạo 25% tấm của Thái Lan với giá 194,75 USD/tấn, thấp hơn 0,1 USD so với giá Cục Ngoại thương Thái Lan đưa ra trong cuộc đấu thầu ngày 12-17/3. Đến nay, Thái Lan chưa có phản ứng gì. Việc tuyên bố đấu thầu là một sức ép đáng kể, có thể khiến Thái Lan phải nhân nhượng trước đề nghị của Philippines.
Mua 200.000 tấn gạo này là cam kết của Philippines dành cho Thái Lan. Đổi lại, Philippines có thể duy trì mức thuế suất 50-56% đánh vào đường nhập khẩu, thậm chí họ có thể nâng lên 80% nếu muốn.
Tuy nhiên, Jesus Varela, một thành viên của Hội đồng NFA lại nói rằng, NFA sẽ tổ chức đấu thầu ngay cả khi dàn xếp được với Thái Lan trước ngày 15/5.
Năm 2003, Philippines dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 800.000 tấn gạo. Trong đó, NFA được giao nhập 400.000 tấn, và đã ký hợp đồng mua 262.500 tấn từ Việt Nam, Thái Lan. 400.000 tấn còn lại được giao cho nông dân tự nhập khẩu.
Ông Varela cho rằng, những người nông dân khó hoàn thành việc nhập khẩu số gạo được giao. Theo chương trình Nông dân làm người nhập khẩu, các hợp tác xã Philippines sẽ nhập khẩu 150.000 tấn gạo trong quý I và 250.000 tấn còn lại trong quý II. Nhưng đến nay, mới chỉ có 60.000 tấn gạo được ký hợp đồng. Dù vậy, họ vẫn còn thời gian ký kết tiếp, và hạn cuối cho việc nhập hàng là cuối tháng 6.
Theo ông Varela, hợp đồng gạo với Thái Lan sẽ bao gồm lượng nông dân không nhập khẩu.
Nếu cuộc đấu thầu được tổ chức, bệnh SARS đang hoành hành là một bất lợi lớn cho gạo Trung Quốc.
Ngày 12-17/3, Philippines đã đấu thầu nhập khẩu 400.000 tấn gạo. Họ đã mua được 210.000 tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan. Riêng Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) đã thắng được 150.000 tấn gạo.
Nhật Bản
JFA sẽ đấu thầu mua 25.000 tấn gạo vào ngày 30/5. Đây là cuộc đấu thầu đầu tiên, trong số bốn cuộc đấu thầu theo hình thức mua và bán đồng thời mà JFA dự định tiến hành, trong năm tài chính 2003-2004 (1/4/2003-31/3/2004). Theo yêu cầu của phía Nhật Bản, hàng sẽ được giao trước ngày 29/8.
JFA có hai hình thức đấu thầu: đấu thầu thông thường và đấu thầu theo hình thức mua và bán đồng thời. Gạo nhập khẩu theo hình thức thông thường được dùng chủ yếu để nấu rượu và chế biến. Gạo nhập theo hình thức mua và bán đồng thời được dùng chủ yếu trong nấu ăn thường nhật. |
Theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), JFA sẽ mua tổng cộng 770.000 tấn gạo trong năm tài chính 2003-2004, trong đó 100 tấn theo hình thức mua và bán đồng thời. 670.000 tấn còn lại sẽ thông qua hình thức đấu thầu thông thường.
Bangladesh
Bangladesh có ý định tổ chức cuộc đấu thầu mới để mua 100.000 tấn gạo.
Đầu tháng 4, quốc gia Nam Á này đã tiến hành đấu thầu. 12 nhà cung cấp đăng ký tham gia, nhưng chỉ có 3 đáp ứng được các yêu cầu của ban tổ chức, và giá họ đưa ra khá cao.
Iraq
Liên Hợp Quốc đã đồng ý cho Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gạo sang Iraq theo chương trình "đổi dầu lấy lương thực". Trước mắt, Việt Nam có thể xuất khẩu 100.000 tấn gạo trong tổng số 400.000 tấn theo hợp đồng đã được ký trước cuộc chiến. Tuy nhiên, chương trình "đổi dầu lấy lương thực" của Liên Hợp Quốc chỉ được duy trì đến ngày 3/6.