|
Sản phẩm may mặc trong nước đang chiếm lĩnh thị trường |
(VietNamNet) - Tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2003 tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, với trên 85% các sản phẩm chủ lực tăng trưởng cao. Trong đó, khu vực DNNN tăng 12,2%, khu vực ngoài Nhà nước tăng 18,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,6%.
Các tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp trên địa bàn lớn có mức tăng giá trị sản xuất 4 tháng cao hơn mức tăng chung của cả nước, đặc biệt là Bình Dương với 35,2%, Hà Nội gần 26%, TP.HCM 15,6%, Đồng Nai xấp xỉ 17%. Đáng chú ý là giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 9,8%, trong khi 4 tháng đầu năm 2002 giảm khoảng 5,2% so với cùng kỳ năm 2001.
Mặc dù chịu nhiều tác động không thuận của nền kinh tế thế giới, trong 4 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng cao trong quý I. Ngành dầu khí đã tăng trở lại mức 10,6% - yếu tố quyết định mức độ tăng trưởng công nghiệp 4 tháng đầu năm nay.
Theo Tổng cục Thống kê, có tới 29/34 sản phẩm công nghiệp chủ yếu 4 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ. Trong đó, các sản phẩm quan trọng, như dầu thô tăng 8,5%, ximăng 16,6%; điện 16%. 15 sản phẩm có mức tăng trưởng trên 20% là: thuỷ sản chế biến 20,5%, bột ngọt 26,7%, đường mật 42,7%, quần áo dệt kim 39,6%, quần áo may sẵn 65,9%, sứ vệ sinh tăng 35,5%, thép cán 24,8%, máy công cụ tăng 27,9%, động cơ diezen tăng 159,8%, động cơ điện 48%, ắc quy 29,4%, quạt dân dụng 15,9%, tivi lắp ráp 27,8%, ôtô lắp ráp tăng 48%, xe máy lắp ráp 21,3%. Các sản phẩm sữa, chè... tháng 4 có giảm do ảnh hưởng của thị trường Iraq, nhưng không nhiều.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 4 tháng đầu năm nay ước tính đạt 99.300 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước đạt 16.500 tỷ đồng, tăng 6,9%; khu vực kinh tế tập thể tăng 21,4%; khu vực kinh tế cá thể tăng 9,7%, chiếm 65%; khu vực kinh tế tư nhân tăng 19,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14%. |
|