|
Tôm nuôi thường xuyên bị dịch bệnh. | (VietNamNet) - Chưa bao giờ, việc kiểm soát môi trường dịch bệnh thuỷ sản lại cấp bách như hiện nay. Trong khi đó, ngành thuỷ sản chưa có khả năng dự báo về biến động môi trường, dịch bệnh. Khả năng ứng phó với các sự cố còn lúng túng. Trên thương trường quốc tế, Việt Nam thiếu hệ thống các dữ liệu thông tin về môi trường dịch bệnh nên hay gặp khó nếu bị tranh chấp.
Do vậy, một cuộc hội thảo về "Phối hợp quan trắc môi trường và dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản (NTTS)" đã được Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Thuỷ sản) tổ chức ngày 8-9/5.
Thống kê gần đây cho thấy, trong vòng 10 năm qua, công suất khai thác tăng đáng kể, song, sản lượng khai thác chỉ tăng 2-3%. Điều này chứng tỏ rằng, mặc dù số lượng tăng, phương tiện hiện đại hơn, nhưng sản lượng khai thác trên công suất không được cải thiện. Hay nói cách khác, nguồn lợi đã bị giảm sút đáng kể do việc khai thác quá mức, cùng với việc gia tăng ô nhiễm vùng gần bờ, đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới nguồn lợi sinh vật biển, trong đó có cá, nhuyễn thể và san hô. Đồng thời, từ 1993-1994, Việt Nam bắt đầu xuất hiện dịch bệnh tôm, và dịch bệnh này kéo dài qua các năm.
Chất lượng sản phẩm ngày càng được chú trọng. Thông tin về sản phẩm được nuôi ở đâu, có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không sẽ được các nước nhập khẩu áp đặt cho người sản xuất. Những thông báo có hệ thống về kiểm soát môi trường, dịch bệnh sẽ là các bằng chứng khi xảy ra tranh chấp thương mại. Xung đột về thương mại, do vậy, là khó tránh khỏi.
Nhiệm vụ của hệ thống cảnh báo môi trường và dịch bệnh, hơn bao giờ hết, trở nên vô cùng cần thiết. Nó sẽ cho biết những biến cố môi trường, dịch bệnh có thể xảy ra; các biện pháp khả thi an toàn về vệ sinh, môi trường.
Tuy nhiên, tại Việt Nam hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường, dịch bệnh thuỷ sản chưa có tính ứng dụng cao. Về nguyên nhân, Thạc sĩ Đặng Khánh, chuyên viên Vụ KH-CN, cho rằng, do thuỷ sản Việt Nam chưa có một hệ thống thống nhất, bao gồm cả thể chế tổ chức lẫn phương pháp thực hiện; thiếu kinh nghiệm nghiên cứu lĩnh vực môi trường, dịch bệnh, do vậy mà các nghiên cứu hiện tại chỉ mang tính đối phó với một số tình huống tức thời; thiết bị kỹ thuật vừa thiếu, vừa lạc hậu.
''Trong khi Trung Quốc, Thái Lan đã có những tiêu chuẩn về chất lượng nước, về mức độ ôxy hòa tan... để thực hiện quan trắc và cảnh báo môi trường, dịch bệnh, thì Việt Nam chưa có. Do vậy, việc thu thập số liệu, phân tích và đánh giá môi trường chủ yếu dựa vào hệ thống tiêu chuẩn chung của Nhà nước. Trong năm nay và thời gian tới, chúng tôi sẽ ưu tiên cho việc nghiên cứu và ban hành các tiêu chuẩn, quy chế về lĩnh vực này'', ông Nguyễn Xuân Lý, Vụ trưởng Vụ KH-CN, cho biết.
Theo ông Lý, hiện nay, phương pháp tiếp cận đã thay đổi. Việt Nam mới chỉ dừng ở cảnh báo môi trường và dịch bệnh, song, dịch bệnh còn xuất pháp từ các nguồn khác nhau, như giống, thức ăn. Số liệu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản II cho thấy, năm 2002, Viện đã phát hiện trên 53% số mẫu tôm giống bị nhiễm MBV (bệnh thường gặp ở tôm), 39,9% nhiễm virus đầu vàng và 8,8% nhiễm virus WSSV.
Do vậy, ngành thuỷ sản sẽ xây dựng một đề án quy hoạch hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường, dịch bệnh đến 2010. Theo đó, sẽ có 3 trung tâm quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh (đặt tại 3 miền Bắc, Trung, Nam) và Trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường dịch bệnh biển, đặt dưới sự quản lý của văn phòng Trung ương.
|