|
Giày dép là mặt hàng hay bị làm giả C/O. |
Chỉ trong vài tháng đầu năm 2003, hàng chục vụ giả mạo giấy chứng nhận hàng xuất khẩu có xuất xứ từ Việt Nam (C/O) đã bị phát hiện. Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI, so với số lượng 230.000 bộ C/O cấp cho các doanh nghiệp mỗi năm, vài chục C/O giả là con số quá nhỏ. Nhưng chúng cũng đã tác động xấu đến uy tín hàng xuất khẩu Việt Nam.
Làm giả hàng nội
Công ty TNHH An Phát (Đồng Tháp) ký hợp đồng gia công 700.000 sản phẩm: Áo sơmi, quần soóc, áo jacket, váy, áo đầm... cho công ty Hugo Success Trading Limited (Mỹ). Không tổ chức sản xuất, Giám đốc công ty Văn Văn Quan đã cho nhập khẩu các sản phẩm tương tự của Trung Quốc đưa về gỡ nhãn "Made in China", thay vào nhãn "Made in Vietnam" để xuất cho khách hàng Mỹ.
Giả mạo C/O là hành vi gian lận để chiếm đoạt chế độ ưu đãi thuế quan mà quốc gia nhập khẩu dành cho hàng hóa có nguồn gốc từ Việt Nam. Giả mạo C/O cũng là hành vi chiếm đoạt hạn ngạch hàng xuất khẩu nhỏ nhoi của VN trên thương trường quốc tế, và gây tổn hại uy tín hàng Việt Nam. |
Sự việc vỡ lở, khi lực lượng điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan bắt quả tang công ty này đang "hóa phép" 5.625 chiếc quần dài, và 5.220 chiếc quần soóc ngoại thành hàng nội. Đây chính là hành vi giả mạo xuất xứ hàng xuất từ Việt Nam đã bị Bộ Thương mại nghiêm cấm từ lâu. Được biết, việc kiểm soát hành vi gian dối này sẽ được các cơ quan quản lý xuất nhập khẩu siết chặt hơn kể từ khi Hiệp định Dệt may Việt -Mỹ được ký kết.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cơ quan cấp C/O của Việt Nam, tình trạng làm giả C/O gần đây tăng vọt. Ngày 21/3, Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam yêu cầu VCCI xác minh một số bản C/O lô hàng giày dép xuất vào Ba Lan. Kết quả xác định, những C/O này là giả mạo.
Mới đây Liên minh Châu Âu (EU) có xác minh 22 giấy C/O lô hàng ôxít kẽm xuất từ Việt Nam sang EU. Kết quả, những C/O đó không phải do VCCI cấp. Còn nguồn gốc của số ôxít kẽm là từ Trung Quốc, nhưng được một số đối tượng làm giả C/O Việt Nam để xuất khẩu hàng vào EU, nhằm trục lợi 8% thuế nhập khẩu mặt hàng EU dành cho loại hàng tương tự nhưng của Việt Nam sản xuất.
Được biết, Hải quan Mỹ cũng đã quan tâm đến việc cấp C/O của Việt Nam, bởi có những ngờ vực về xuất xứ hàng Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ. Dù lượng hàng xuất khẩu của ta vào thị trường này ít mặt hàng bị hạn chế hạn ngạch.
Lợi ít, hại nhiều
Giả mạo C/O là hành vi gian lận để chiếm đoạt chế độ ưu đãi thuế quan mà quốc gia nhập khẩu dành cho hàng hoá có nguồn gốc từ Việt Nam. Việc làm của công ty TNHH An Phát là một trong những hiện tượng không ngoài mục đích kiếm chác này.
Ngoài ra, còn khá nhiều cách gian lận làm giả C/O mà các doanh nghiệp thường vận dụng như: hàng sản xuất ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng lợi dụng C/O của Việt Nam; doanh nghiệp lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để đưa hàng ngoại vào Việt Nam rồi "hoá phép" thành hàng Việt Nam để xuất sang nước thứ 3; hoặc hàng sản xuất tại Việt Nam nhưng bộ phận dịch vụ tự làm C/O...
Để được cấp C/O Việt Nam, hàng xuất khẩu phải được sản xuất trong lãnh thổ Việt Nam, tối thiểu cũng phải được gia công chế biến tại Việt Nam theo tỷ lệ "nội địa hóa" do từng quốc gia nhập hàng Việt Nam quy định. Nhật Bản và EU quy định tỷ lệ nội địa hóa phải là 40%, Mỹ là 35%... trở lên, tùy từng mặt hàng.
Việc giả mạo C/O rất khó lọt qua hệ thống kiểm soát hải quan các nước nhập khẩu. Hiểm họa cho hàng xuất khẩu của Việt Nam là khi phát hiện có giả mạo C/O, không riêng đối tượng vi phạm bị hải quan quốc gia nhập khẩu hàng Việt Nam đưa vào diện "chăm sóc đặc biệt" để theo dõi, mà hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam khác cũng bị ảnh hưởng, bị trở thành đối tượng lo ngại của hải quan. Họ sẽ có những biện pháp kiểm soát ngặt nghèo, kéo dài thời gian thông quan... Mặt khác, hàng xuất khẩu vào những thị trường phải chịu hạn ngạch bị làm giả C/O, hoặc sử dụng C/O để xuất khẩu hàng của nước ngoài sẽ gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia và thiệt hại quyền lợi của chính các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngăn chặn nạn giả mạo C/O, VCCI đang chấn chỉnh hoạt động nghiệp vụ cấp C/O. Trong đó, VCCI sẽ tiếp tục công khai hóa, minh bạch hóa việc cấp C/O; kiểm soát chặt chẽ những mặt hàng xuất sang các nước được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan để áp dụng những "chế tài" đặc biệt; phối hợp với các cơ quan như Hải quan, Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ Công an trong việc ngăn chặn C/O giả, kể cả việc phối hợp chặt chẽ với Hải quan các nước để chống hiện tượng làm giả C/O của Việt Nam. Đối với những giấy C/O đã xác định giả mạo, VCCI sẽ chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật. Khẳng định quyết tâm của VCCI, ông Trần Hữu Huỳnh nhấn mạnh: "Phải kiên quyết chống C/O giả để bảo vệ uy tín và vị thế hàng xuất khẩu của Việt Nam".
(Theo Lao Động) |