24 nhà thầu phụ của dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn đã đồng loạt gửi kiến nghị lên UBND tỉnh và cơ quan chức năng ở Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị can thiệp với Chính phủ và chủ đầu tư dự án, giúp các DN thu hồi số tiền có nguy cơ bị nhà thầu nước ngoài "ăn quỵt". Số tiền này lên tới 8,8 triệu USD và 1,9 tỷ đồng.
Ðến nay, những người có trách nhiệm của phía nước ngoài đã tự ý bỏ về nước, không một lời hứa hẹn về khoản nợ còn phải trả cho các DN Việt Nam.
Của đau con xót
Ngày 27/9/2001, Công ty Lắp máy và xây dựng 45/1 (ECC45-1) thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) ký với nhà thầu McConell Dowell (gọi tắt là MCD - Australia, nhà thầu nước ngoài trên) hai hợp đồng: lắp đặt thiết bị (SC/5684/019) và thuê nhân công (SC/5684/035), với tổng giá trị quyết toán là 865.200 USD. Sau khi kết thúc hợp đồng, phía MCD mới thanh toán cho Công ty 628.000 USD (lấy số tròn), còn 235.110 USD phía nhà thầu nước ngoài "quên" thanh toán, mặc dù đã gần 8 tháng trôi qua kể từ ngày hợp đồng được nghiệm thu và bàn giao (10/2002).
Đại diện của ECC45-1 cho biết, họ phải đi vay trả lãi để thanh toán lương kịp thời cho CBCNV thi công tại dự án. Việc bị chiếm dụng vốn khiến công ty bị đẩy vào hoàn cảnh rất khó khăn. Sau khi hoàn thành các phần việc của hợp đồng, công ty còn phải trả khoản thuế GTGT là 41.400 USD trong năm 2002, nhưng số tiền này cũng bị MCD chiếm dụng và dùng hoá đơn này thanh quyết toán thuế với chủ đầu tư của dự án khí Nam Côn Sơn.
Nhưng ECC45-1 vẫn còn được coi là "may" vì số tiền bị chiếm dụng không lớn, nếu so với nhiều công ty khác đang có nguy cơ phá sản, như TNHH Thảo Li còn 2,37 triệu USD chưa được thanh toán, Prieziozo còn 1,82 triệu USD, Andhika 807.000 USD, Đầu tư và phát triển hạ tầng (ICI) 558.400 USD, Delta 593.000 USD, Xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) còn 29.000 USD...
Theo các công ty này, trong suốt quá trình tham gia xây dựng, phía MCD luôn dây dưa hoặc chậm trễ, không chịu thanh toán theo các khối lượng công việc đã được thống nhất hàng tháng giữa hai bên. Lý do được MCD đưa ra để "bào chữa" cho sự chậm trễ là chủ đầu tư BP (đồng thời là nhà điều hành dự án đường ống khí Nam Côn Sơn) không thanh toán theo đúng khối lượng và tiến độ mà họ thực hiện.
Tuy thế, do yêu cầu đảm bảo tiến độ rất gắt gao, nên có thời điểm, phía BP đã chấp nhận thanh toán trực tiếp cho các nhà thầu Việt Nam một số khoản tiền mà các nhà thầu thực hiện theo hợp đồng và khấu trừ vào số tiền thanh toán cho MCD. Nhưng đến cuối dự án, BP đã thanh toán cho MCD tại Australia và MCD chỉ chuyển trả ngược lại cho các nhà thầu phụ một cách nhỏ giọt. Vào các tháng cuối và cho đến nay, họ dừng hẳn không thanh toán.
"Xù nợ"?
Phía MCD đã có nhiều biểu hiện từ chối việc thanh toán các khoản nợ còn lại này, bằng việc trốn tránh xác định công nợ trước khi đóng cửa văn phòng tại Việt Nam. Sau khi sự việc được các DN Việt Nam báo cáo lên Bộ Công an, Bộ đã ra thông báo không cho xuất cảnh đối với ông David Dwyer, Giám đốc dự án; đồng thời tổ chức cuộc họp vào ngày 11/2/2003 yêu cầu ông này phải giải quyết việc thanh toán nợ. Nhưng đến cuối 3/2003, không hiểu bằng cách nào, ông D.Dwyer vẫn rời được khỏi Việt Nam, và không hứa hẹn gì về các khoản nợ còn phải thanh toán.
Ðại diện phía BP lúc này cũng khẳng định, họ đã thanh toán cho MCD toàn bộ số tiền theo giá trị hợp đồng (70,5 triệu USD). Ngoài ra, BP còn chấp nhận thanh toán một số khoản chi phí "phát sinh" ngoài hợp đồng, trong đó có những hạng mục được thoả thuận theo yêu cầu công việc. Tổng cộng, toàn bộ giá trị hợp đồng đã được phía BP thanh toán cho MCD là hơn 90 triệu USD.
"Ðối với các khoản chi phí khác mà phía MCD "đòi" thanh toán, chúng tôi đang tiếp tục xem xét, chỉ những khoản tiền có đủ chứng từ hợp lệ mới được chấp nhận thanh toán, nhưng do hợp đồng giữa BP và MCD đã thanh lý, và BP đã thanh toán cho MCD nhiều hơn số tiền trong hợp đồng, nên khả năng được chấp nhận thanh toán những khoản phát sinh sau là rất ít, đại diện BP khẳng định.
Phía BP cũng bày tỏ quan điểm: "Cho dù các khoản chi phí phát sinh mà MCD yêu cầu thanh toán có được chủ đầu tư chấp nhận hay không, thì MCD vẫn phải có trách nhiệm thanh toán cho các nhà thầu phụ, vì MCD trực tiếp ký hợp đồng với các nhà thầu này".
Giải quyết thế nào?
Trước nguy cơ bị "xù nợ", các nhà thầu phụ Việt Nam đã gửi kiến nghị lên UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Thứ nhất, UBND tỉnh yêu cầu BP lấy quyền chủ đầu tư không chấp nhận thư thông báo đóng cửa văn phòng của MCD tại Việt Nam vì chưa giải quyết xong việc thanh lý nợ nần. Thứ hai, kiến nghị UBND tỉnh báo cáo Chính phủ để khuyến cáo Chính phủ Australia về tư cách pháp nhân của MCD. Thứ ba, đề nghị BP, Petro Vietnam triệu tập MCD và các cơ quan pháp luật của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm xem xét, giải quyết sự việc. Cuối cùng, mọi khoản tiền nếu BP hoặc Petro Vietnam còn quản lý và MCD (hoặc các khoản phát sinh (nếu có)) xin giữ lại để thanh toán cho các đối tác Việt Nam.
Có thể thấy những giải pháp cho vấn đề này là hết sức thụ động và nằm ngoài tầm kiểm soát của các DN thầu phụ. Ðiều đáng nói là ngay cả Petro Vietnam (chủ đầu tư hiện nắm 51% cổ phần trong dự án đường ống Nam Côn Sơn) cũng đang đứng ngoài cuộc.
Hiện các nhà thầu phụ rất phân vân không biết số tiền 8,8 triệu USD trên có phải là tiền phát sinh ngoài hợp đồng đã được BP chấp nhận thanh toán cho MCD hay không? Nếu đúng là nằm trong khoản tiền này, thì không còn nghi ngờ gì nữa, MCD đã "ẵm" gọn toàn bộ số tiền, rồi "cao chạy xa bay". Nhưng đặt giả thiết, đây là số tiền phát sinh chưa được chủ đầu tư thanh toán (mà theo BP thì cũng sẽ không thanh toán được, vì BP đã thanh lý và thanh toán dứt điểm cho MCD rồi), thì các nhà thầu Việt Nam sẽ phải chịu mất không số tiền này.
Ðây là bài học rút ra cho các DN Việt Nam về kinh nghiệm làm ăn với đối tác nước ngoài. Trên thực tế, các hợp đồng thầu phụ đã ký phải đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ để khi có tranh chấp, nếu một bên đơn phương vi phạm sẽ phải đền bù thiệt hại cho bên kia (hoặc ngược lại). Bên cạnh đó, cần xem xét lại một số điểm chưa phù hợp trong Quy chế đấu thầu hiện hành, đặc biệt là tiêu chí chọn giá bỏ thầu thấp nhất.
(Theo TBKTVN) |