|
Thị trườngChâu Phi vẫn còn "xa lạ" với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. |
(VietNamNet) - Lần đầu tiên một cuộc hội thảo quốc tế lớn về cơ hội hợp tác Việt Nam - Châu Phi sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 28 - 30/5. Đây là dịp " ngàn vàng" để biến những đánh giá đầy lạc quan về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với châu lục đen thành những bước đi cụ thể trong thế kỷ XXI.
Tham dự cuộc hội thảo quốc tế "Việt Nam - Châu Phi: cơ hội hợp tác và phát triển trong thế kỷ XXI" có 24 nước và 9 tổ chức quốc tế, 8 Bộ trưởng, 4 quan chức cấp thứ trưởng đến từ các nước Châu Phi. Về phía Việt Nam có 15 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ và gần 30 doanh nghiệp. Sẽ có 4 Bộ trưởng chủ trì các phiên họp với các chủ đề về toàn cầu hoá và cơ hội hợp tác; nông nghiệp, thuỷ sản, hợp tác 3 bên; thương mại, tài chính, xây dựng và công nghiệp; giáo dục, y tế, xoá đói nghèo, đào tạo nhân lực...
Dự kiến có 3 Hiệp định sẽ được ký trong dịp này: Hiệp định về hợp tác Nông nghiệp giữa Việt Nam với Sudan; Hiệp định hợp tác kinh tế - thương mại, văn hoá, khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Sierra Leon; Hiệp định Thương mại Việt Nam - Namibia.
Châu Phi là châu lục rộng lớn, giàu tài nguyên, văn hóa đa dạng song cũng là châu lục nghèo nhất thế giới. Do các xung đột lịch sử, chính trị, sắc tộc triền miên nên phần lớn các nước Châu Phi nằm trong những nước nghèo nhất thế giới (33 trên 48 nước nghèo nhất thế giới thuộc Châu Phi). Tỷ lệ thương mại hàng hoá của Châu Phi trong thương mại hàng hoá toàn cầu giảm từ mức 5,9% năm 1980 xuống còn 2,3% năm 1996. Châu Phi chỉ chiếm 3,2% GDP và 2,1% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Các vấn đề xã hội (y tế, AIDS...) đang đe doạ sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế của các nước Châu Phi.
Tuy nhiên, tiềm năng của Châu Phi vẫn rất lớn. Nhiều nước có nguồn khoáng sản quí với trữ lượng lớn như dầu lửa, vàng, kim cương, coban, crôm và đất đai phì nhiêu chưa được khai thác. GDP bình quân tăng từ 1% năm 1990 lên 3,1% năm 2001. Một số nước Châu Phi có sức tiêu thụ lớn thể hiện qua giá trị thương mại hàng hoá hàng năm khá cao: Maroc mỗi năm nhập 10 tỷ USD hàng hóa, Nam Phi 29 tỷ USD... Có 41 quốc gia Châu Phi là thành viên của WTO.
Việt Nam có quan hệ tốt với nhiều nước Châu Phi, đặc biệt là về mặt chính trị, ngoại giao. Đa số các nước Châu Phi ra đời từ các phong trào giải phóng dân tộc trong các thập niên 60, 70 của thế kỷ XX nên có một thiện cảm đặc biệt với Việt Nam. Tuy vậy, quan hệ kinh tế trong giai đoạn này hầu như không có hoặc có rất ít trong các khuôn khổ đa phương. Hơn 10 năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước Châu Phi đã không ngừng tăng và hợp tác kinh tế trở thành trọng tâm trong phát triển quan hệ.
Trong giai đoạn 1991 - 2002, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Châu Phi tăng hơn 10 lần, đạt mức gần 200 triệu USD. Hiện có hơn 3500 lao động Việt Nam đang làm việc tại các nước Châu Phi, riêng trong lĩnh vực nông nghiệp đã có hơn 200 chuyên gia tại các nước Senegal, Benin, Cộng hoà Congo, Madagascar... Đây là mô hình rất được các nước Châu Phi đánh giá cao. Việt Nam cũng đã ký Hiệp định thương mại song phương với 14 nước Châu Phi. Riêng trong những năm 90, Việt Nam và các nước Châu Phi đã ký được 39 hiệp định tập trung vào các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại; Văn hoá và khoa học kỹ thuật (27); Bảo hộ đầu tư (2); Nông nghiệp (3); Y tế, giáo dục (1).
Nhiều lãnh đạo cấp cao của các nước Châu Phi đã đến thăm Việt Nam. Đặc biệt, chuyến công du một loạt nước Châu Phi của Chủ tịch nước Trần Đức Lương cuối năm 2002 vừa qua là "cú hích" quan trọng cho đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Bên cạnh quan hệ tốt về chính trị, Việt Nam còn nhiều thuận lợi khác trong quan hệ với các nước Châu Phi: Trình độ phát triển cùng những kinh nghiệm phát triển của Việt Nam phù hợp với khả năng và trình độ của nhiều nước Châu Phi; Thị trường khu vực không khắt khe so với nhiều nơi khác và có nhu cầu về những mặt hàng ta có thế mạnh như gạo, cà phê, cao su, chè, hàng thủ công, may mặc, điện tử, công nghiệp nhẹ...; Nhiều nước Châu Phi được hưởng chế độ ưu đãi trong quan hệ thương mại với Mỹ và EU nên Việt Nam có thể liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp Châu Phi để sản xuất hàng hoá xuất khẩu vào hai thị trường này.
|