Làm kế toán phải có chứng chỉ hành nghề
16:16' 19/05/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Tại Hội trường sáng nay (19/5), Quốc hội đã dành 30 phút đầu tiên để tưởng nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó, các đại biểu cùng xem xét lại và thông qua các điều của Luật Kế toán. Nhìn chung, lần chỉnh sửa cuối cùng không có nhiều điểm khác biệt so với Dự luật đã trình.  

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết - Yên Bái phát biểu. 

Một số ý kiến đại biểu cho rằng, quy định cá nhân hành nghề kế toán phải có chứng chỉ hành nghề như Dự luật là quá cao, không thực tế. Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin giải trình rằng: Dịch vụ kế toán là dịch vụ đòi hỏi chất lượng và có sự ràng buộc cao về pháp lý liên quan đến độ tin cậy của số liệu, tài liệu kế toán, đến tình hình và kết quả hoạt động tài chính của đơn vị. Vì vậy, người đứng đầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán hoặc cá nhân đứng tên đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán phải có đủ năng lực, trình độ phù hợp. Người quản lý các doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có khả năng kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán do doanh nghiệp mình cung cấp. Do đó, cá nhân đứng tên hành nghề dịch vụ kế toán hoặc người đứng đầu doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có chứng chỉ hành nghề kế toán do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. 

Ở các nước, chứng chỉ hành nghề kế toán là chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kế toán viên. Người có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của Luật này được cấp chứng chỉ hành nghề và có thể thành lập doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, lập văn phòng hành nghề kế toán. Người làm kế toán trong doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán và trong văn phòng hành nghề kế toán do cá nhân trong tên thành lập cần có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của Luật.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung lực lượng vũ trang nhân dân là đối tượng áp dụng Luật, nhưng theo Uỷ ban thường vụ Quốc hội: ''Theo tính chất hoạt động kinh tế, tài chính, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân gồm 3 loại: cơ quan, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp quốc phòng. Các đối tượng quy định tại các điểm trong Luật đã bao gồm đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Vì vậy, không quy định lực lượng vũ trang nhân dân thành một đối tượng riêng''.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không nên quy định văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam là đối tượng áp dụng Luật. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội - trình bày thêm như sau: Văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam không được mua, bán, cung ứng dịch vụ thương mại, nhưng có các nghiệp vụ kinh tế, tài chính để duy trì hoạt động xúc tiến thương mại và các hoạt động hành chính khác. Về nguyên tắc, văn phòng có hoạt động kinh tế, tài chính phải thực hiện công tác kế toán. ''Vì vậy, xin Quốc hội cho quy định văn phòng đại diện thuộc đối tượng áp dụng Luật. Công tác kế toán của văn phòng đại diện đơn giản, vì vậy đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ hướng dẫn như quy định tại khoản 2 là hợp lý''.

Về kế toán quản trị, kế toán chi tiết, kế toán tổng hợp: Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định trong Luật hoặc nếu có thì chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc và giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị xin giữ như dự thảo vì kế toán quản trị được dùng chủ yếu để phục vụ cho việc điều hành trong nội bộ đơn vị kế toán. Mức độ chi tiết, phương pháp kế toán quản trị của mỗi đơn vị không hoàn toàn giống nhau mà phụ thuộc vào yêu cầu và năng lực quản lý của từng đơn vị. Để giúp các đơn vị kế toán tổ chức thực hiện phù hợp với đặc điểm, yêu cầu và năng lực quản lý, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn về kế toán quản trị áp dụng cho 2 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và quản lý hành chính nhà nước. Đây là những văn bản hướng dẫn có tính định hướng nhưng rất cần thiết trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. 

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chuyển quy định ''kế toán chi tiết'' lên trước ''kế toán tổng hợp''. Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận thấy kế toán tổng hợp, kế toán chi tiết là hai công việc kế toán tiến hành song song, đồng thời có tác dụng kiểm tra, đối chiếu lẫn nhau nên không nhất thiết phải xếp theo thứ tự. 

Về đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng không thể quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái thực tế mà chỉ nên quy đổi theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Cũng có ý kiến khác đề nghị bỏ quy định hạch toán, quy đổi ngoại tệ theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.  Ban soạn thảo cho rằng, ngoại tệ phát sinh trong hoạt động kinh tế là một thực tế khách quan. Có hai trường hợp phát sinh ngoại tệ trong hoạt động kinh tế cần được xem xét xử lý: Một là hoạt động mua, bán ngoại tệ (tức là dùng tiền này để mua tiền khác) thì phải và có thể hạch toán theo tỷ giá giao dịch thực tế khi phát sinh nghiệp vụ mua, bán hoặc chuyển đổi ngoại tệ. Hai là ngoại tệ thu được và ghi trả, thanh toán trong hoạt động mua, bán hàng, cung cấp dịch vụ, trong hoạt động vay, trả nợ, nhận vốn. Ngoài việc ghi sổ theo nguyên tệ đã thực nhận, thực xuất, kế toán phải sử dụng một tỷ giá nhất định làm căn cứ quy đổi ra đồng Việt Nam để ghi sổ và lập báo cáo tài chính.

Khoản 2 Điều 1 9 Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam đã quy định ''Ngân hàng nhà nước xác định và công bố tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam''. Cho đến nay, điều khoản này đang có hiệu lực. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Quốc hội lần này cũng không đề cập đến nội dung Điều 19. Trong thực tế, có nhiều tỷ giá hối đoái có thể làm căn cứ để quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam, nhưng chọn tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) là để bảo đảm tính thống nhất trong xem xét, đánh giá và kiếm soát các hoạt động kinh tế, không thể căn cứ vào một tỷ giá hối đoái cá biệt hoặc tỷ giá hối đoái do một ngân hàng thương mại hay tổ chức kinh doanh tiền tệ công bố.

Về thời hạn nộp báo cáo tài chính, hầu hết ý kiến của các vị đại  biểu Quốc hội đều tán thành quy định về thời hạn nộp báo cáo tài chính của dự thảo Luật. Cũng có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng thời hạn quy định như dự thảo Luật là quá dài, chỉ nên quy định là 60 ngày, ý kiến khác lại đề nghị quy định thời hạn dài hơn là 120 ngày để phù hợp với các đơn vị kế toán có nhiều cấp. Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin giải trình như sau: Hiện nay, trong thực tế có nhiều cấp quản lý, nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Các đơn vị thụ hưởng kinh phí ngân sách nhà nước được chia ra thành các đơn vị dự toán cấp I, II, III. Trong sản xuất, kinh doanh có đơn vị hạch toán toàn ngành, có đơn vị hạch toán độc lập, có đơn vị hạch toán phụ thuộc... Vì vậy, để phù hợp với thực tế và thống nhất với các luật hiện hành, Luật Kế toán quy định khung thời hạn tối đa là 90 ngày là hợp lý. Đối với từng loại đơn vị, từng lĩnh vực hoạt động, đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ quy định cụ thể trong văn bản dưới luật.

Về thuê làm kế toán, thuê làm kế toán trưởng, có ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị cần mở rộng đối tượng được thuê làm kế toán và thuê làm kế toán trưởng; một số ý kiến yêu cầu Luật làm rõ về thuê làm kế toán và thuê làm dịch vụ kế toán. Ông Nguyễn Đức Kiên giải trình trước Quốc hội rằng: ''Việc thuê làm kế toán, thuê làm kế toán trưởng là vấn đề rất mới ở nước ta. Tuy vậy, trong xu hướng phát triển hành nghề kế toán thì đây là hoạt động rất cần thiết. Điều 55 đã quy định điều kiện và tiêu chuẩn về hành nghề kế toán. Do đó, về nguyên tắc các đơn vị kế toán đều được thuê làm kế toán và kế toán  trưởng. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thì việc thuê làm kế toán và kế toán trưởng cần được tiến hành theo các điều kiện cụ thể và thực hiện từng bước theo quy định của pháp luật. Thuê làm kế toán có hai loại, thuê lao động làm kế toán và thuê dịch vụ kế toán. Điều 56 chỉ quy định thuê dịch vụ kế toán, thuê làm kế toán trưởng do doanh nghiệp dịch vụ kế toán hoặc cá nhân có đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán cung cấp. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 56 được chỉnh sửa''. 

  • Hồng Phúc

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
"Cần sẵn sàng hỗ trợ cho vùng thiệt hại do lũ lụt" (19/05/2003)
Thép vẫn tiêu thụ chậm (19/05/2003)
"VN cần tạo bước đột phá nếu muốn gia nhập WTO vào 2005" (19/05/2003)
Khai trương Trung tâm giao dịch địa ốc Sài Gòn (19/05/2003)
Trái cây nhập lậu lan tràn biên giới Tây Nam (19/05/2003)
1/3 nông dân Bắc bộ sẽ có cánh đồng 50 triệu (19/05/2003)
Vietel cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng ADSL (19/05/2003)
"Ðánh bạc" với ÐTDÐ nhập lậu (18/05/2003)
Khởi công lại dự án căn hộ Sài Gòn (18/05/2003)
Vẫn nhiều lực cản đối với Luật Doanh nghiệp (17/05/2003)
Cơ hội lớn khám phá thị trường Châu Phi (17/05/2003)
Bibica khất ba lần vẫn chưa công bố được báo cáo tài chính (17/05/2003)
Nhà sản xuất xe máy nói về thuế tiêu thụ đặc biệt (17/05/2003)
''Cánh đồng 50 triệu'' sẽ lo đầu ra cho nông sản (17/05/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang