Sản xuất, xuất khẩu chưa gặp nhau
11:29' 20/05/2003 (GMT+7)
Thủ công mỹ nghệ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Mỗi năm Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành phải mất khoảng 60.000 USD để tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế. Khoản chi này chưa phải là lớn so với doanh thu xuất khẩu 3,6 triệu USD mà Đức Thành gặt hái được trong năm 2002. Nhưng với các DN nhỏ hơn thì việc bỏ ra số tiền trên quả là vấn đề lớn đối với họ, thôi thì ngồi nhà chờ khách đến vậy.

Đa số các DN sản xuất vẫn thường phải làm từ A đến Z. Họ tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Vì nhiều lẽ họ chưa thể trao thân gửi phận cho các DN xuất nhập khẩu.

Thiếu DN làm xuất khẩu?

Nếu như trước khi Nghị định 57 (ban hành năm 1998, trao quyền kinh doanh xuất nhập khẩu cho các thành phần kinh tế) bắt đầu có hiệu lực, cả nước chỉ có 2.200 DN làm xuất nhập khẩu trực tiếp, trong đó hơn 90% là DN quốc doanh thì hai năm sau đã có hơn 8.000 DN mà DN mới chủ yếu thuộc khu vực ngoài quốc doanh. Khu vực này trước Nghị định 57 chỉ đóng góp 4,7% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước, thì hai năm sau đã lên mức 15%, năm 2002 con số này là 50% (không tính dầu thô và đóng góp của DN có vốn ĐTNN).

Chính sách trên đã  kích thích các thành phần kinh tế đẩy mạnh sản xuất, phát triển nguồn hàng xuất khẩu. Nhưng trong tình hình ''nhà nhà'' làm xuất khẩu trực tiếp như hiện nay, các DN chuyên doanh xuất nhập khẩu lại chưa lớn mạnh lên so với nhu cầu của nền ngoại thương cả nước, nên tình hình các DN tự làm xuất khẩu vẫn diễn ra phổ biến.

DN xuất nhập khẩu chưa mạnh

Khu vực tư nhân được đánh giá là năng động nhất, nhưng sau thời gian dài bị hạn chế kinh doanh, nay mới trở lại, đương nhiên chưa mạnh. Nhưng khu vực quốc doanh làm xuất nhập khẩu cũng không sáng sủa hơn. Thứ trưởng Thương mại, ông Mai Văn Dâu, nhận xét về DN làm xuất khẩu cả nước và Bộ Thương mại: ''Công tác thu thập thông tin thị trường, dự báo và xúc tiến thương mại còn yếu. Năng lực cạnh tranh của nhiều DN còn thấp, khả năng tài chính hạn chế, đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được với cơ chế thị trường và yêu cầu hội nhập''

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Tổng giám đốc Haprosimex Saigon, một trong những DN quốc doanh hàng đầu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cũng thừa nhận: ''Xây dựng thị trường xuất khẩu rất tốn kém, đòi hỏi trang bị thiết bị, phương tiện... nhưng khả năng tài chính của DN còn hạn hẹp. Đội ngũ làm xuất nhập khẩu chưa giỏi ngoại ngữ, nghiệp vụ ngoại thương và tập quán làm ăn quốc tế''. Điều này làm cho DN chưa mạnh dạn trong giao dịch và thường bị động trong quan hệ làm ăn với nước ngoài. Biểu hiện là DN thường phụ thuộc vào mẫu mã, điều kiện giao dịch mua bán của đối tác nước ngoài.

Nhà sản xuất muốn tự làm

Có một thực tế khác làm DN sản xuất và nhà xuất khẩu chưa gặp nhau. Nguyên nhân thứ nhất, theo bà Lê Hải Liễu, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành, muốn kinh doanh thành công, DN phải am hiểu mặt hàng. Nhưng những địa chỉ làm xuất nhập khẩu mà bà Liễu biết được đều chưa làm được điều này. ''Cơ bản là họ không sống chết với sản phẩm nên không tìm tòi để đưa ra định hướng kinh doanh nhạy bén, kịp thời'', bà Liễu nhận xét, ''Vì vậy, cách tốt nhất là chúng tôi tự làm''

Một DN làm hàng gốm sứ mỹ nghệ kể lại cách làm không sòng phẳng của một công ty xuất nhập khẩu lớn thuộc Bộ Thương mại. Công ty này lấy mẫu của DN đi chào hàng, sau khi khách nước ngoài chấp nhận lại đem mẫu đó đi đặt DN khác làm. Do vậy, DN cho rằng làm với DN xuất khẩu rất có thể mất cả chì lẫn chài. ''Họ có thể làm như vậy với chúng tôi thì có thể cũng làm tương tự với đối tác khác. Họ không xem trọng uy tín với người cung cấp thì cũng có thể sẵn sàng mất uy tín với người mua hàng. Theo tôi, vốn có thể yếu, chuyên môn có thể bổ xung dần, nhưng vấn đề lón nhất là lòng tin phải được vun đắp thường xuyên'', chủ DN này nói.

(Theo TBKTSG)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ký hợp đồng xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng (20/05/2003)
Coca Cola VN tranh kỷ lục Guiness của làng Ước Lễ? (20/05/2003)
Euro lên giá, Việt Nam ít bị tác động (20/05/2003)
Khu giải trí "tránh mưa" (20/05/2003)
TP.HCM sắp có 2 đợt khuyến mãi lớn (20/05/2003)
Thêm một nhà máy sản xuất xe buýt (19/05/2003)
Chấm dứt hỗ trợ vốn cho DNNN từ các khoản nợ (19/05/2003)
Sức mua máy điều hòa ở Hà Nội tăng (19/05/2003)
Làm kế toán phải có chứng chỉ hành nghề (19/05/2003)
"Cần sẵn sàng hỗ trợ cho vùng thiệt hại do lũ lụt" (19/05/2003)
Thép vẫn tiêu thụ chậm (19/05/2003)
"VN cần tạo bước đột phá nếu muốn gia nhập WTO vào 2005" (19/05/2003)
Khai trương Trung tâm giao dịch địa ốc Sài Gòn (19/05/2003)
Trái cây nhập lậu lan tràn biên giới Tây Nam (19/05/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang